Cô gái hễ ăn là nôn

  •  
  • 1.427

Một cô gái người Ấn Độ không thể ăn mà chỉ uống sữa, trà và nước để sống. Từ khi sinh ra, cô không thể ăn thực phẩm ở dạng rắn vì sẽ nôn ra ngay.

Hiện tại, Manju Dharra (25 tuổi, ở Sonipat, gần New Delhi) sống nhờ uống từ 4 đến 5 lít sữa mỗi ngày, có khi là chè, bơ và nước. Cô bị bệnh Achalasia, hễ ăn những loại thực phẩm ở dạng rắn như bánh mì, bánh kẹp... sẽ bị nôn ngay.

Mẹ của Manju, bà Bhagwati Dharra, cho biết: “Con gái tôi chỉ uống được sữa, chè, nước và một số loại nước trái cây. Nếu ăn đồ ở dạng rắn, nó sẽ lập tức nôn mửa”. Manju cao nhỉnh hơn một chút so với chiều cao trung bình của những phụ nữ Ấn Độ. Cô đảm trách những công việc lặt vặt trong gia đình như thêu thùa, may vá. Sức khỏe của Manju khá tốt, ngoại trừ chứng bệnh đau dạ dày từ nhỏ.

Cô gái hễ ăn là nôn
Manju hàng ngày chỉ uống sữa bò, nước, trà để sống. (Ảnh: Health)

Bà Bhagwati không hề biết gì về vấn đề của con cho tới khi cô bé được 2 tuổi. Vào thời điểm này, người mẹ cố gắng tập cho con ăn cơm và bánh mì nhưng đứa bé chỉ khóc, thậm chí đổ bệnh. Lúc đầu, Bhagwati chỉ nghĩ con kén ăn hoặc bướng bỉnh. Càng về sau, bà bắt đầu nhận ra có vẻ như đó là một triệu chứng bệnh tật.

Gia đình đã đưa con gái đến nhiều bác sĩ để thử các phương pháp điều trị nhưng đều vô ích. Họ không đủ khả năng tài chính để làm phẫu thuật. Cuối cùng gia đình đành mua một con bò về nuôi lấy sữa cho Manju uống.

Bố của Dharra, ông Ramkanwar Dharra, làm nghề thợ nề chia sẻ: “Điều kiện kinh tế chúng tôi không đủ để cho con gái tiếp tục đi học. Gia đình tôi có 8 người con. Manju có 2 anh, 5 chị. Tất cả thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, chỉ có Manju bị tình trạng này”.

Tiến sĩ - bác sĩ Nhi khoa Adarsh Sharma, đến từ Jaipur, cho biết tình trạng của Dharra có thể được điều trị bằng một cuộc phẫu thuật. Gia đình cần tìm đến chuyên gia để được tư vấn. Bác sĩ giải thích, chứng Achalasia xảy ra khi thực quản mất khả năng chuyển thực phẩm xuống dạ dày bởi chiếc van ở đáy thực quản không mở ra để nhận thức ăn đi xuống dạ dày. Do đó thức ăn bị mắc kẹt ở thực quản, và nó sẽ trào ngược lên gây nôn mửa.

Theo cấu tạo bình thường, ở thực quản có một vòng cơ được gọi là tâm vị đảm nhiệm chức năng mở ra khi thức ăn đến gần nó, và đóng lại khi thức ăn xuống dạ dày nhằm ngăn chặn hiện tượng trào ngược axit. Bình thường tâm vị hoạt động khi bạn nuốt thức ăn để đưa chúng đi vào dạ dày. Nhưng khi một người mắc bệnh Achalasia, cơ này hoạt động không bình thường và kết quả làm thức ăn tắc nghẽn ở thực quản. Phẫu thuật là cách điều trị duy nhất cho căn bệnh này.

Theo VNE
  • 1.427