Học sinh Nhật Bản sẽ sớm nhìn thấy một cô giáo robot trên bục giảng. Theo báo Telegraph, “cô giáo” trên, có tên gọi là Saya, hiện đang được thử nghiệm tại một trường tiểu học ở Tokyo.
|
Cô giáo Saya trong giờ giảng dạy -Ảnh: REX |
Cô sẽ bắt đầu dạy chính thức ngay khi kết thúc quá trình thử nghiệm. Saya là kết quả của quá trình nghiên cứu kéo dài 15 năm qua của ông Hiroshi Kobayashi, 43 tuổi, giáo sư khoa học thuộc Đại học Tokyo.
Cô Saya có thể nói nhiều thứ tiếng khác nhau, có thể điểm danh, ra bài tập từ sách giáo khoa và có thể biểu lộ cảm xúc qua nét mặt, kể cả giận dữ, thông qua 18 “cơ vận động” ẩn bên trong khuôn mặt bằng latex.
Người máy này ban đầu được thiết kế nhằm thay thế một loạt nhân sự, bao gồm các thư ký, giúp các công ty cắt giảm chi phí trong khi vẫn duy trì một ít tương tác của con người để bảo đảm “sinh khí” cho môi trường doanh nghiệp. Trước khi “chuyển ngành” làm giáo viên, Saya đã được thử nghiệm làm nhân viên tiếp tân của Đại học Khoa học Tokyo vào năm 2004.
Saya là ví dụ mới nhất cho sự phát triển của robot vào đời sống ở xứ sở mặt trời mọc. Trước đó, robot đã được huy động làm nhân viên bảo vệ trường tiểu học, tham gia hướng dẫn giao thông, thuyết phục sinh viên đăng ký khóa học, và thậm chí làm bạn đồng hành của các bệnh nhân Alzheimer. Nhưng việc đưa robot lên bục giảng được xem là một trong những ứng dụng cơ bản nhất của công nghệ người máy.
Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định mong muốn mỗi gia đình ở nước này có 1 robot vào năm 2015 và đang đầu tư 35 triệu USD vào việc phát triển trí thông minh của robot để có thể đạt được mục tiêu này. Nỗ lực này được tiến hành trong bối cảnh dân số Nhật đang già đi. Người ta ước tính sau 7 năm nữa, cứ trong 4 người dân thì có 1 người trên 65 tuổi. Điều đó có nghĩa là lực lượng lao động sẽ bị thu hẹp, chi phí lương gia tăng và việc tuyển dụng sẽ trở nên khó khăn.