Không phải mọi thực phẩm chay hoặc có nguồn gốc thực vật đều tốt cho sức khỏe giống nhau. Việc nhận định sai lầm về thực phẩm chay có thể khiến chúng ta gặp phải những chứng bệnh nguy hiểm mà không hay biết.
Trong một nghiên cứu được trình bày tại Đại hội ESC 2020, các nhà khoa học đã đưa ra các lập luận khẳng định không phải mọi thực phẩm chay đều tốt cho sức khỏe giống nhau.
Tác giả, tiến sĩ Matina Kouvari thuộc Đại học Harokopio, Athens, Hy Lạp cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh, chất lượng dinh dưỡng của các loại thực phẩm gốc thực vật có sự thay đổi. Phát hiện này rõ ràng hơn ở phụ nữ. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, phụ nữ có xu hướng ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật và ít sản phẩm có nguồn gốc động vật hơn nam giới. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, điều này không đảm bảo phụ nữ lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn và tốt cho sức khỏe hơn".
Hầu hết các nghiên cứu về chế độ ăn uống đều định nghĩa chế độ ăn dựa trên thực vật đơn giản là "ăn chay" hoặc "ít thịt", đồng thời coi tất cả các loại thực phẩm từ thực vật là giống nhau về mặt dinh dưỡng.
Tuy nhiên khía cạnh độc đáo của nghiên cứu này là kiểm tra các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật mà con người đang ăn hàng ngày. Các sản phẩm có nguồn gốc thực vật lành mạnh chủ yếu là thực phẩm "ít qua chế biến" nhất, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, quả hạch, dầu ô liu và trà/cà phê.
Không phải mọi thực phẩm chay đều tốt cho sức khỏe giống nhau.
Các sản phẩm có nguồn gốc thực vật không lành mạnh bao gồm: nước trái cây, đồ uống có đường, ngũ cốc tinh chế, khoai tây và bất kỳ loại đồ ngọt nào, ví dụ như sô cô la, bánh tráng miệng,...
Nghiên cứu đã kiểm tra mối liên hệ giữa số lượng và chất lượng của thực phẩm có nguồn gốc thực vật và sức khỏe tim mạch của những người tham gia nghiên cứu trong khoảng thời gian 10 năm.
Vào năm 2001 và 2002, nghiên cứu của ATTICA đã chọn ngẫu nhiên một nhóm người trưởng thành sống ở Athens không mắc bệnh tim mạch hoặc các bệnh mãn tính khác.
Phân tích hiện tại được thực hiện ở 146 người tham gia béo phì có huyết áp, lipid máu và đường huyết bình thường. Chế độ ăn uống được đánh giá bằng bảng câu hỏi về các thói quen thông thường trong năm trước. Nó liệt kê 156 loại thực phẩm và đồ uống thường được tiêu thụ ở Hy Lạp bằng các bức ảnh để xác định kích thước khẩu phần.
Trong vòng 1 thập kỷ, gần một nửa số người tham gia bị béo phì đã xuất hiện các triệu chứng của bệnh huyết áp cao, lipid máu và lượng đường trong máu cao. Đây đều là những nguy cơ lớn cho sức khỏe tim mạch. Những người đàn ông tiêu thụ nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật ít gặp vấn đề hơn. Xu hướng tương tự đã được quan sát thấy ở phụ nữ nhưng không có ý nghĩa về mặt thống kê.
Không phải các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật cũng đều là các sản phẩm chay phù hợp.
Về chất lượng của thực phẩm có nguồn gốc thực vật, các lựa chọn lành mạnh hơn liên quan đến việc duy trì huyết áp, lipid máu và đường huyết bình thường. Ngược lại, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc thực vật không lành mạnh lại liên quan đến nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, lipid máu và lượng đường trong máu cao.
Điều đáng nói là mối liên hệ này thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Tiến sĩ Kouvari nói: "Ăn ít thịt có lợi cho sức khỏe tim mạch, đặc biệt là khi nó được thay thế bằng các thực phẩm thực vật giàu dinh dưỡng như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, quả hạch và dầu ô liu".
Kouvari cho biết nghiên cứu được thực hiện ở những người béo phì và không được đánh giá trên các đối tượng có hạng cân khác. Nghiên cứu trên một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc ăn chay đúng và khoa học. Không phải các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật cũng đều là các sản phẩm chay phù hợp cho sức khỏe của chúng ta.