Cơ thể thải độc vào thời điểm nào?

  •  
  • 2.637

Gan và phổi sẽ loại bỏ độc tố tốt nhất khi bạn đang ngủ say từ 23h đến 5h sáng hôm sau.

Theo y học cổ truyền Trung Quốc, các cơ quan trong cơ thể con người hoạt động theo một chu kỳ liên tục mỗi ngày. Cung cấp cho cơ thể với các chất dinh dưỡng và năng lượng, đồng thời loại bỏ chất thải là cách tự nhiên giúp nó khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi các chất thải không được loại bỏ, nó sẽ biến thành chất độc và gây hại cho sức khỏe.

Theo Shang Hai Daily, một cơ thể khỏe mạnh có thể thải ra hầu hết độc tố và chất thải. Tiến sĩ Jiang Zaifeng, chuyên gia tư vấn sức khỏe ở Trung tâm Bao Zhidi TCM Culture Salon, cho biết mỗi cơ quan đều có thời điểm thải độc tố hiệu quả khác nhau. 12 kinh tuyến chính (mỗi kinh tuyến tương đương với 2 tiếng) sẽ cung cấp năng lượng, thải độc tố tốt nhất cho một cơ quan riêng biệt.

5-7h: Ruột già

Bạn có thể ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ để giảm nguy cơ táo bón. Xoa bóp, massage ruột già, vùng bụng dưới nằm bên phía cánh tay phải cũng sẽ giúp cơ quan này thải độc hiệu quả.

7-11h: Dạ dày và lá lách

Ăn sáng thời điểm từ 7-9h là tốt hơn cả vì lúc này kinh tuyến dạ dày đang làm nhiệm vụ. Bổ sung năng lượng đầy đủ sẽ giúp dạ dày tiêu hóa tất cả thực phẩm, hấp thụ đủ dinh dưỡng đến các kinh tuyến lá lách, cơ quan hoạt động từ 9-11h. Lá lách sẽ chuyển hóa thức ăn dạ dày hấp thụ thành năng lượng. Kết quả là không có thức ăn thừa nào chuyển hóa thành chất béo nếu nó được gửi đến "dây chuyền sản xuất" đúng lúc.

Tập thở bụng trong tư thế quỳ chân vào buổi sáng có thể giúp thúc đẩy máu lưu thông và năng lượng trong dạ dày, do đó, cải thiện sự trao đổi chất và tiêu hóa. Thực phẩm như mật ong, đậu phộng, cà rốt và táo rất tốt cho dạ dày.

Mỗi bộ phận trong cơ thể lại có từng múi giờ giải độc khác nhau.
Mỗi bộ phận trong cơ thể lại có từng múi giờ giải độc khác nhau. (Ảnh: Centerinc).

11-13h: Tim mạch

Tránh tập thể dục cường độ cao thời điểm này vì có thể ảnh hưởng đến tim mạch. Thực phẩm như nhãn, táo cho bữa trưa giúp cung cấp máu và chất dinh dưỡng thích hợp cho tim. Bạn cũng nên có giấc ngủ ngắn vào thời điểm này để giúp tim loại bỏ độc tố và hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, ngủ trưa ngay sau khi ăn có thể gây khó chịu dạ dày, vì vậy, bạn nên đi bộ 15 phút trước khi đi ngủ và chỉ nên ngủ ít hơn một tiếng.

13-17h: Ruột và bàng quang

Sau khi ăn trưa và ngủ ngắn, đây là thời gian cho ruột non và bàng quang bắt đầu làm việc. Chức năng chính của ruột non là phân phối các chất dinh dưỡng được tiêu hóa. Nó sẽ gửi chất lỏng đến bàng quang, chất thải tới ruột già và chất dinh dưỡng tới lá lách để tạo máu và năng lượng.

Ruột non là chìa khóa cho sự hấp thu dinh dưỡng, vì vậy, tiến sĩ Jiang khuyên bạn nên có bữa trưa dinh dưỡng và nhẹ nhàng dễ hấp thụ. Bạn có thể thực hiện một bài tập đơn giản như đá chân tại bàn để kích hoạt ruột non hoạt động tốt hơn.

Kinh tuyến bàng quang là rất quan trọng để loại bỏ độc tố. Tất cả chất độc ở các cơ quan khác đều phải tới bàng quang và ra ngoài thông qua nước tiểu. Uống nhiều nước hơn vào thời điểm này có thể thúc đẩy quá trình giải độc qua đường nước tiểu.

17-19h: Thận

Độc tố tích lũy trong thận thường đi kèm với phù nề. Chạy bộ hoặc đi bộ thời điểm này có thể giúp thận giải độc. Thực phẩm tốt cho thận bao gồm nấm, tảo bẹ có thể được bổ sung vào bữa tối.

19-21h: Màng ngoài tim

Màng ngoài tim là túi chứa chất lỏng bao quanh tim và rễ của các mạch máu lớn. Con người có thể bị mất ngủ hoặc tức ngực khi màng ngoài tim không loại độc tố hiệu quả.

23h-5h: Túi mật, gan và phổi

Các túi mật, gan và phổi hoạt động sôi nổi trong thời điểm này. Độc tố được loại bỏ hiệu quả nhất cho cả 3 bộ phận này khi con người đang chìm vào giấc ngủ sâu. Do đó, nhiều chuyên gia sức khỏe khuyên bạn nên đi ngủ trước 23h. Tiêu thụ các thực phẩm như bột yến mạch, quả óc chó hoặc sữa ấm trước khi lên giường có thể giúp bạn cải thiện giấc ngủ.

Cập nhật: 04/01/2017 Theo Zing
  • 2.637