Có "trạng thái thứ ba" ngoài ranh giới sống và chết?

  •  
  • 771

Nghiên cứu mới cho thấy khi gặp điều kiện thích hợp, một số loại tế bào nhất định có khả năng "tái sinh" thành dạng sống mới sau khi cơ thể từng chứa chúng chết đi.

Theo quan điểm truyền thống, sự sống và cái chết luôn là các trạng thái đối lập nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã mô tả về sự xuất hiện của các dạng sống đa bào mới từ các tế bào của một sinh vật đã chết và gọi đó là "trạng thái thứ ba", bên ngoài ranh giới của sự sống và cái chết.

Theo khoa học, cái chết là sự dừng các hoạt động chức năng không thể đảo ngược của một sinh vật. Tuy nhiên, các hoạt động như hiến tạng nêu bật lên cách thức các bộ phận cơ thể, mô và tế bào có thể tiếp tục hoạt động ngay cả sau khi sinh vật chết đi. Vậy cơ chế nào cho phép điều này diễn ra?

Nghiên cứu mới xác nhận có sự tồn tại của "trạng thái thứ ba" ngoài ranh giới sống và chết
Nghiên cứu mới xác nhận có sự tồn tại của "trạng thái thứ ba" ngoài ranh giới sống và chết - (Ảnh minh họa: Indy100)

Nhóm nghiên cứu, do phó giáo sư Peter Noble của Đại học Washington và tiến sĩ Alex Pozhitkov của Trung tâm ung thư City of Hope (cùng ở Mỹ) dẫn đầu, đã mô tả cách một số loại tế bào nhất định trong trường hợp được cung cấp đủ dưỡng chất, oxy, điện sinh học (điện được sản xuất trong cơ thể sống) có khả năng biến thành các sinh vật đa bào có chức năng mới sau khi cơ thể chết đi.

Ví dụ, một nghiên cứu năm 2021 chứng minh rằng tế bào da lấy từ phôi ếch đã chết tự động tái tổ chức thành các sinh vật đa bào gọi là xenobot. Chúng có thể sử dụng các cấu trúc trông như lông để định hướng môi trường xung quanh, thay vì di chuyển chất nhầy như thường thấy ở phôi ếch sống. Xenobot cũng có thể sao chép cấu trúc và chức năng của chúng mà không cần lớn lên.

Những kết quả tương tự cũng được phát hiện ở tế bào phổi người. Chúng có thể hình thành các sinh vật đa bào gọi là anthrobot, có khả năng di chuyển xung quanh, thậm chí có thể tự chữa và chữa cho các tế bào thần kinh bị thương gần đó.

Nhóm nghiên cứu cho biết họ vẫn chưa thể hiểu rõ việc làm thế nào để "sự sống" có thể tồn tại sau cái chết (trạng thái thứ ba).

"Một giả thiết là các kênh và máy bơm chuyên biệt trong màng ngoài của tế bào đóng vai trò như các mạch điện phức tạp. Chúng tạo ra các tín hiệu điện cho phép các tế bào giao tiếp với nhau và thực hiện các chức năng cụ thể như tăng trưởng và chuyển động, định hình cấu trúc sinh vật mà chúng muốn hình thành", trang IFLScience dẫn nghiên cứu viết.

Theo phó giáo sư Noble, ngoài việc thách thức sự hiểu biết của con người về sự sống, cái chết và bản chất của sinh vật, hàm ý rộng hơn của "trạng thái thứ ba" đối với lĩnh vực y khoa có thể rất lớn.

"Các tế bào trong trạng thái thứ ba có khả năng được thiết kế để giải quyết các vấn đề y tế, chẳng hạn như dùng làm hệ thống phân phối thuốc trong cơ thể. Đây là một hướng đi mới và thú vị cho nghiên cứu khoa học", ông Noble cho biết.

Nhóm nghiên cứu cho rằng bằng cách giải quyết những câu hỏi về bí ẩn của sự sống và cái chết, chúng ta sẽ khám phá ra những hiểu biết mang tính đột phá về bản chất của sự sống.

Bài viết của nhóm nghiên cứu được đăng trên tạp chí Physiology.

Cập nhật: 21/09/2024 Tuổi Trẻ
  • 771