Con người vươn tới các vì sao trong năm 2024

  •  
  • 115

Năm 2024, các sứ mệnh không gian không còn chỉ dừng lại ở quỹ đạo tầm thấp và Mặt trăng. Chúng ta đang hướng tới những mục tiêu lớn hơn và xa hơn.

Từ mục tiêu theo dõi sao Thủy đến khởi động một cuộc phiêu lưu mới đến Mặt trăng băng giá của sao Mộc, các sứ mệnh vũ trụ trong năm 2024 đã có những bước tiến lớn và vô cùng táo bạo.

Mặt trăng đón những vị khách mới

Mặt trăng vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các cơ quan vũ trụ và công ty tư nhân trong những năm gần đây, và năm 2024 cũng không ngoại lệ.

Từ tháng 1, tàu vũ trụ SLIM (Smart Lander for Investigating Moon) của Nhật Bản đã hạ cánh thành công, đánh dấu lần hạ cánh mềm đầu tiên của "đất nước Mặt trời mọc" trên Mặt trăng.

Tàu Slim của Nhật Bản hạ cánh trên Mặt trăng.
Tàu Slim của Nhật Bản hạ cánh trên Mặt trăng.

So với sứ mệnh Apollo 11 lịch sử của Mỹ, tàu SLIM thậm chí còn làm tốt hơn mong đợi, khi hạ cánh ở vị trí chỉ cách 100 mét so với điểm mục tiêu. Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết, đây là lần hạ cánh Mặt trăng chính xác nhất trên thế giới.

Hướng tới những mục tiêu lớn hơn và xa hơn.

Mặc dù hạ cánh chính xác ở vị trí đã lên kế hoạch, song tàu SLIM gặp phải một tình huống ngoài mong muốn: Tàu bị nghiêng, và gần như cắm đầu xuống nền đất của Mặt trăng thay vì tư thế thẳng đứng.

Bất chấp tình huống hiểm nghèo, tàu SLIM vẫn hoàn tất nhiệm vụ khoa học được giao, và thậm chí tiếp tục vượt xa nhiệm vụ ban đầu của mình trong vài tháng tiếp theo.

Giới chuyên môn quốc tế thán phục Nhật Bản khi con tàu của họ cho thấy khả năng sống sót phi thường trên Mặt trăng, dù gặp sự cố mà gần như không một tàu vũ trụ nào mong muốn.

Vào tháng 2, một tàu thám hiểm khác do công ty tư nhân Intuitive Machines có trụ sở tại Houston, bang Texas (Mỹ) chế tạo, cũng chọn Mặt trăng làm điểm đến.

Con tàu có tên Odysseus đã hạ cánh thành công lên Mặt trăng, đánh dấu lần đầu tiên trở lại nơi này của "xứ sở cờ hoa" sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi. Nhưng cũng giống như SLIM, Odysseus gặp một sự cố trong khâu hạ cánh, khiến con tàu bị lật đổ.

Dẫu vậy, trong nhiệm vụ kéo dài 6 ngày của mình, tàu thám hiểm đã gửi lại dữ liệu hữu ích cho nhiệm vụ Artemis sắp tới của NASA, với mục tiêu đưa con người lên Mặt trăng vào năm 2026.

Tàu Odysseus đánh dấu lần đầu tiên trở lại Mặt trăng của Mỹ sau sứ mệnh Apollo lịch sử
Tàu Odysseus đánh dấu lần đầu tiên trở lại Mặt trăng của Mỹ sau sứ mệnh Apollo lịch sử (Ảnh: Getty).

Vào tháng 6, tàu vũ trụ Chang'e 6 của Trung Quốc đạt thành tựu đột phá, khi lần đầu tiên mang về Trái đất những mẫu vật từ nửa xa (hay còn gọi là nửa tối) của Mặt trăng.

Theo báo cáo trên tạp chí Nature, một phân tích hóa học các mẫu đất cho thấy, tại khu vực này đã có hoạt động của núi lửa cách đây khoảng 2,8 tỷ năm.

Vào tháng 9, Chang'e 6 tiếp tục được phát hiện tại một điểm quay quanh Mặt trời có tên là L2, gần vị trí với Kính viễn vọng Không gian James Webb. Tuy nhiên, cơ quan vũ trụ Trung Quốc chưa hé lộ kế hoạch tiếp theo với tàu Chang'e 6.

Dấu ấn con người trên sao Hỏa

Năm 2024 mở đầu bằng lời tạm biệt với Ingenuity - trực thăng thám hiểm sao Hỏa được triển khai cùng rover tự hành Perseverance của NASA.

Trong chuyến bay thứ 72 của Ingenuity, trực thăng gặp một sự cố ngoài mong đợi, dẫn đến mất liên lạc với tàu thám hiểm. NASA xác nhận Ingenuity đã gặp nạn, và đây là chuyến bay cuối cùng của nó.

Là phương tiện bay đầu tiên trên hành tinh khác, Ingenuity đã dành gần 1.000 ngày trên Hành tinh Đỏ để thực hiện các chuyến bay thử nghiệm, đồng thời giúp Perseverance điều hướng hiệu quả trên địa hình sao Hỏa.

 Trực thăng Ingenuity ngừng hoạt động trên sao Hỏa
Trực thăng Ingenuity ngừng hoạt động trên sao Hỏa (Ảnh: NASA).

Quãng thời gian này lâu hơn 33 lần so với kế hoạch ban đầu của NASA dành cho Ingenuity. Theo NASA, chiếc trực thăng ban đầu chỉ được thiết kế để thực hiện 5 chuyến bay, kéo dài trong 1 tháng.

Thế nhưng tính đến ngày 18/1, trực thăng đã thực hiện được 72 chuyến bay, với vận tốc và độ cao được cải thiện sau mỗi lần bay. Trước đó, Ingenuity đã đạt độ cao 12 mét, là độ cao kỷ lục nó từng đạt được trong các chuyến bay.

Vào tháng 7, người bạn đồng hành của Ingenuity, tàu Perseverance, đã có khám phá quan trọng nhất từ trước đến nay. Nó tìm thấy và phân tích thành công một tảng đá chứa dấu vết của vi khuẩn cổ đại.

Tới nay, NASA vẫn đang âm thầm chuẩn bị cho sứ mệnh nhằm đưa mẫu đất này về Trái đất để có những đánh giá chi tiết hơn.

Công ty tư nhân vũ trụ bùng nổ trong năm 2024

4 năm sau khi SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), công ty đã đánh dấu một cột mốc thương mại khác.

Đó là thực hiện thành công chuyến đi bộ đầu tiên ngoài không gian (dùng để chỉ hoạt động bên ngoài tàu vũ trụ của phi hành gia).

SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa phi hành gia lên ISS.
SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa phi hành gia lên ISS.

Nhiệm vụ mang tên Polaris Dawn còn thiết lập một số kỷ lục khác, như có phi hành gia trẻ nhất từng tham gia vào một chuyến đi bộ ngoài không gian (30 tuổi), kỷ lục về số người tham gia hoạt động này (4 người), cũng như kỷ lục về số người nhiều nhất đồng thời ở trên quỹ đạo (19 người).

Sarah Gillis, một thành viên của phi hành đoàn, cũng trở thành người đầu tiên chơi đàn violin trong không gian.

Tàu vũ trụ Starliner của Boeing cũng đã thành công đưa các phi hành gia gồm Sunita Williams và Butch Wilmore lên Trạm ISS vào đầu tháng 6 cho một nhiệm vụ kéo dài 8 ngày.

Tuy nhiên, một vấn đề với động cơ đẩy của tàu vũ trụ Starliner đã khiến sứ mệnh trở về Trái đất của 2 phi hành gia này bị nhiều lần trì hoãn, và dự kiến chỉ có thể thực hiện vào tháng 2/2025.

Kết thúc kỷ nguyên săn tìm tiểu hành tinh

Trái đất đã mất đi một "vệ binh dải thiên hà" trong năm nay. Vào tháng 8, NASA nói lời tạm biệt với kính viễn vọng NEOWISE sau khi nó dành hơn 1 thập kỷ để rà quét bầu trời, nhằm tìm kiếm và phát hiện các tiểu hành tinh có nguy cơ đe dọa tới Trái đất.

Kính viễn vọng NEOWISE đã ngừng hoạt động trong năm nay.
Kính viễn vọng NEOWISE đã ngừng hoạt động trong năm nay.

Kính viễn vọng NEOWISE được phóng vào năm 2009 với sứ mệnh ban đầu là nghiên cứu ánh sáng hồng ngoại từ các vật thể vũ trụ xa xôi.

Khi kính thiên văn hết chất làm mát, các nhà khoa học đã chuyển hướng nó để quan sát các tiểu hành tinh đến gần Trái đất. Do những tiểu hành tinh này cũng phát ra ánh sáng hồng ngoại, nên NEOWISE đã không gặp khó khăn trong công việc mới.

Trong suốt thời gian tồn tại của mình, NEOWISE đã quan sát hàng ngàn tiểu hành tinh và hàng trăm sao chổi, từ đó giúp các nhà khoa học có được cảm nhận chính xác hơn về những mối nguy hiểm mà các khối đá vũ trụ này gây ra cho Trái đất.

Việc mất đi kính thiên văn khiến chúng ta phần nào chìm trong bóng tối, nhưng may mắn là không quá lâu. Một "thợ săn tiểu hành tinh" khác, NEO Surveyor, dự kiến sẽ được phóng vào năm 2027.

Góc nhìn mới về sao Thủy

Sao Thủy là hành tinh nhỏ nhất và gần Mặt trời nhất trong số 8 hành tinh thuộc Hệ Mặt trời. Đến nay, hành tinh nhỏ bé này vẫn còn nhiều bí ẩn với nhân loại.


Tàu BepiColombo đã bay ngang qua sao Thủy và ghi lại hình ảnh đầu tiên về cực nam của hành tinh này.

Tuy nhiên, sẽ không còn lâu nữa trước khi chúng ta có được cái nhìn tổng thể về sao Thủy. Vào tháng 9, tàu vũ trụ BepiColombo đã bay ngang qua sao Thủy và ghi lại hình ảnh đầu tiên về cực nam của hành tinh này.

Đây là tàu thăm dò đánh dấu sự hợp tác giữa Châu Âu và Nhật Bản, đã cất cánh từ tháng 10/2018, và vẫn còn khoảng 2 năm nữa mới đến nơi.

Vì sao Thủy ở rất gần Mặt trời và lực hấp dẫn của nó, nên không dễ để điều khiển một tàu vũ trụ vào quỹ đạo xung quanh hành tinh nhỏ bé này.

BepiColombo đang thực hiện một cách cẩn thận những chuyến bay gần sao Thủy và lợi dụng lực hấp dẫn của hành tinh để tiến vào quỹ đạo. Dự kiến, tàu sẽ thành công làm điều này vào tháng 11/2026.

Mặt trăng của sao Mộc ẩn chứa câu trả lời về sự sống?

Tàu vũ trụ Europa Clipper sẽ đi vào và ra khỏi trường bức xạ để tránh tiếp xúc kéo dài.
Tàu vũ trụ Europa Clipper sẽ đi vào và ra khỏi trường bức xạ để tránh tiếp xúc kéo dài.

Tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA được phóng vào ngày 14/10 chọn điểm đến là Europa, một Mặt trăng băng giá của sao Mộc.

Theo các chuyên gia, Europa có một đại dương nước lỏng bên dưới lớp băng dày ở bề mặt, nên nó là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho sự sống ngoài Trái đất thuộc Hệ Mặt trời.

Tuy nhiên, sẽ có những điểm khác biệt so với các sứ mệnh khác. Được biết, tàu thám hiểm sẽ không bay trực tiếp quanh Europa vì từ trường rất mạnh của sao Mộc ảnh hưởng đến hoạt động này.

Thay vào đó, tàu sẽ đi vào và ra khỏi trường bức xạ để tránh tiếp xúc kéo dài. Khi tiến gần Europa, tàu sẽ nhanh chóng thu thập dữ liệu rồi lùi lại để phục hồi trước khi tiếp tục một chuyến bay nữa.

Cập nhật: 14/12/2024 Dân Trí
  • 115