Công nghệ roaming - cầu nối của các mạng quốc tế

  •  
  • 1.250

Khi đi công tác nước ngoài mà vẫn muốn liên lạc bằng số điện thoại di động (ĐTDĐ) quen thuộc, vẫn duyệt e-mail trong hòm thư Outlook Express ở những hòn đảo xa xôi..., bạn có thể nghĩ đến dịch vụ chuyển vùng được nhắc tới bằng thuật ngữ "roaming".

Đây là thuật ngữ chung trong lĩnh vực viễn thông, chỉ vùng mở rộng của dịch vụ kết nối ở địa điểm không phải nơi đăng ký ban đầu. Sự chuyển vùng này diễn ra khi một thuê bao của nhà cung cấp dịch vụ (SP) dùng cơ sở hạ tầng của SP khác. SP thứ 2 này không có thỏa thuận về dịch vụ hay tài chính với thuê bao đó trong việc nhận và gửi thông tin mà làm việc với SP thứ nhất để hỗ trợ người sử dụng.

Đối tượng của roaming hiện nay là mạng ĐTDĐ và Internet.

Roaming trong mạng ĐTDĐ 

Nguồn: Rentmobilephone
Nhiều trường hợp, roaming xảy ra trong khu vực đăng ký ban đầu của chiếc điện thoại khi nó truyền thông tin qua một tháp thu phát sóng của SP khác - khi tín hiệu của SP ban đầu quá yếu hoặc số lượng người gọi quá nhiều.

Trong mỗi mạng ĐTDĐ khác nhau, quá trình roaming sẽ khác nhau, nhưng về cơ bản như sau:

- Khi thiết bị di động được bật lên hoặc truyền qua một trạm chuyển tiếp (handover) tới mạng, thì mạng được "ghé thăm" này "nhìn thấy" thiết bị và xác định xem nó có nằm trong danh sách đăng ký hay không và cố gắng xác định mạng "nhà" của nó. Nếu hai mạng trước đó không có thỏa thuận "thông nhau" thì dịch vụ không duy trì được và mạng khách sẽ từ chối.

- Trong tình huống chấp nhận, mạng khách sẽ liên hệ với mạng nhà và yêu cầu thông tin dịch vụ về thiết bị chuyển vùng đang dùng số IMSI (International Mobile Subscriber Identity) của nó, trong đó có việc thiết bị có được cho phép chuyển vùng hay không.

- Nếu thành công, mạng khách bắt đầu duy trì lưu thuê bao tạm thời cho thiết bị. Đồng thời, mạng nhà cập nhật thông tin để xác định thiết bị đang được quản lý trên máy chủ và những thông tin gửi tới thiết bị đó cũng đảm bảo được truyền đi chính xác.

Nếu có một cuộc gọi tới chiếc điện thoại đang roaming, mạng điện thoại công cộng sẽ hướng nó đến SP mà nó đăng ký. Sau đó, SP này phải hướng nó tới mạng khách (đã thỏa thuận dịch vụ). Mạng khách sẽ cung cấp một số điện thoại nội bộ tạm thời cho chiếc mobile. Khi số này được xác định, mạng nhà sẽ chuyển tiếp cuộc gọi đến vào số tạm thời và chuyển tới chiếc điện thoại.

Các loại roaming: 

Roaming theo vùng địa lý

Kiểu roaming này chỉ khả năng chuyển dịch vụ từ vùng này đến vùng khác trong biên giới quốc gia của một nhà điều hành mạng di động. Ban đầu, các nhà điều hành thường hạn chế dịch vụ ở các vùng nhỏ (như một thành phố). Nhưng sau này, với sự phát triển của công nghệ mạng di động toàn cầu GSM và giá thành giảm, roaming theo vùng ít khi được triển khai, trừ trường hợp ở các quốc gia có vùng địa lý rộng như Mỹ, Nga, Ấn Độ... mà trong đó có rất nhiều nhà điều hành mạng của từng vùng.

Còn tại Việt Nam, đây chính là trường hợp các SP như Vinaphone, Mobifone phân vùng 1,2,3 trước kia. Khi gọi nội vùng, liên vùng, cách vùng, khách hàng sẽ được tính giá cước khác nhau. Sau đó, các SP này đã tính cước theo một vùng duy nhất trên toàn bộ lãnh thổ.

Roaming theo vùng địa lý của một nhà điều hành mạng cũng chính là hình thức mà công ty thông tin viễn thông Điện lực EVN Telecom đang triển khai với dịch vụ E-phone. Tuy nhiên, E-phone dùng đầu số cố định nhưng hoạt động như một mạng di động nên việc này đã gây nhiều tranh cãi và công ty phải tạm ngừng roaming kiểu này. 

Roaming sóng giữa các nhà cung cấp

Loại roaming này nói đến khả năng chuyển vùng bắt sóng của một nhà điều hành di động đến một vùng sóng của nhà điều hành khác trong biên giới của một quốc gia. Ví dụ: thuê bao mạng Mobifone được phép chuyển sang Vinaphone khi hai nhà cung cấp dịch vụ này có thỏa thuận chuyển vùng với nhau. Điều này thường xảy ra khi một công ty mới tham gia vào lĩnh vực này và cần có cổng tương thích với hạ tầng của các nhà điều hành trước đó. Họ phải đề nghị các nhà điều hành này cho phép roaming trong khi dành thời gian để xây dựng mạng của riêng mình.

Hiện tại, ở Việt Nam, các mạng hỗ trợ roaming liên thông với nhau là Vinaphone và Mobifone trên nền công nghệ GSM. Tuy nhiên, Bộ Bưu chính Viễn thông vẫn chưa cho phép các mạng trên của VNPT roaming với mạng dùng công nghệ CDMA, cụ thể là S-Fone và gần đây là E-phone. 

Roaming quốc tế

Dịch vụ này có khả năng chuyển vùng sóng sang một mạng của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài. Đây là lợi ích dành cho khách du lịch và những người hay đi nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, loại hình này có thể gặp nhiều trục trặc vì các nước có dải băng tần khác nhau, ví dụ hầu hết đều dùng băng tần 900/1800 MHz, còn Mỹ và một số nước ở châu Mỹ dùng dải 850/1900 MHz. Vì vậy, khi mua điện thoại để đi nhiều nước khác nhau, bạn cần chú ý chọn loại có 3 - 4 dải tần.

Ở Việt Nam, các mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel và S-Fone đã triển khai dịch vụ roaming quốc tế. Vinaphone đã liên kết tới 59 nước, Mobifone kết nối với 52 quốc gia, Viettel đăng ký tới 43 nước và S-Fone cũng hỗ trợ mạng khi bạn tới Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản.

Những mạng này không tính cước đăng ký dịch vụ chuyển vùng quốc tế mà chỉ tính cước sử dụng dịch vụ. Cách tính cước gọi đi, nhắn tin đi hoặc nhận cuộc gọi đến, tin nhắn đến được trình bày khá kỹ trên trang web của Vinaphone, Mobifone, S-Fone. Đối với dịch vụ của Viettel, khách hàng có thể hỏi trung tâm hỗ trợ.

Khi muốn dùng dịch vụ roaming, khách hàng phải là thuê bao trả sau và tới các trung tâm để đăng ký. Toàn bộ cước phí sẽ được ghi vào hóa đơn thanh toán cuối tháng. Một số mạng có thể yêu cầu khách hàng đơn lẻ đặt cọc trước một số tiền, còn những đối tượng như doanh nghiệp, thuê bao VIP... sẽ được miễn.

Roaming trong mạng Internet

Hình thức này áp dụng với các account đăng ký sử dụng Internet. Đây là khả năng truy cập mạng toàn cầu khi đi xa nhà mà chỉ với mức giá nội hạt hoặc rẻ hơn so với chi phí gọi đường dài. Ví dụ: bạn đã đăng ký tài khoản sử dụng Internet của một nhà cung cấp dịch vụ tại Hà Nội và du lịch tới Hong Kong. Thay vì trả tiền kết nối đường dài về Hà Nội, bạn chỉ cần trả chi phí kết nối ở Hong Kong và một ít tiền dịch vụ roaming.

Roaming cho Internet được thực hiện khi các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đã có thỏa thuận hỗ trợ khách hàng truy cập Internet theo giá nội vùng. Một phần mềm chuyên biệt sẽ cho phép các ISP tính toán được chi phí của người sử dụng.

- Người dùng phải thuê dịch vụ của một ISP đã có thỏa thuận chuyển vùng quốc tế tại nước mình.

- Với thỏa thuận này, bạn sẽ xác định được một ISP ở thành phố mình đang tới.

- Ở điểm đến này, người dùng có thể gọi theo số điện thoại được chỉ định của ISP đó thông qua modem của máy tính, điền thông tin login để mạng xác định ISP "nhà" của bạn.

- ISP "ngoại" sẽ liên hệ với ISP "nội" để kiểm tra tính xác thực của thông tin.

- ISP "ngoại" sẽ cho phép người sử dụng truy cập Internet, truy cập hòm thư từ máy chủ mail ở "quê nhà".

- Người sử dụng sẽ được tính phí theo giá điện thoại nội hạt, ngoài ra, tùy vào mức giá dịch vụ mà hai nhà cung cấp đã thỏa thuận, ISP có thể tính thêm một khoản theo giờ hoặc theo tháng.

Tuy nhiên, nếu chỉ cần trao đổi thư từ, bạn có thể nghĩ đến các dịch vụ e-mail miễn phí phổ biến như Yahoo, Gmail, Hotmail, Rocketmail... Hotmail có hỗ trợ POP3 để bạn truy cập tới 4 account e-mail đã có, miễn là bạn nhớ tên server POP3 và ID, mật khẩu.

Nếu thuê bao một dịch vụ trên toàn cầu nào đó như WorldNet của AT&T hay IBM Global Network, bạn có thể truy cập vào tài khoản của mình ở những thành phố thông qua điểm hiện diện POP (point-of-presence ) trên Internet mà không phải trả tiền cho một cuộc gọi đường dài nào.

Nhìn chung, khi cước truy cập mạng trên thế giới hầu như đều rẻ hơn Việt Nam và các dịch vụ webmail miễn phí có khả năng hỗ trợ POP3, việc sử dụng roaming Internet nghe có vẻ xưa cũ với đường dây thuê bao số, ví dụ như VNN1260. Tuy nhiên, trong trường hợp muốn vào mạng ở nơi chỉ có đường dây điện thoại, bạn vẫn thấy thoải mái với Internet roaming. Các thuê bao VNN1260 có thể kết nối Internet ở 150 quốc gia đã ký thỏa thuận, có những nơi xa xôi như Panama, Guam, đảo Marshall...Chi tiết về dịch vụ này, bạn có thể xem tại đây.
Theo VnExpress
  • 1.250