“Công viên rác thải” - nghệ thuật vì cộng đồng

  •  
  • 1.939

Sau khi thu nhặt được lượng lớn rác thải, khoảng 20.000 chai lọ nhựa trong những khu ổ chuột ở Kampala (Uganda), nhóm của Ruganzu Bruno bắt tay vào lắp ráp các “tác phẩm nghệ thuật”. Khu công viên được tạo ra từ chính những thứ rác thải đã trở thành điểm vui chơi ưa thích của trẻ em trong khu vực.

Từ mong muốn thay đổi môi trường

Ngay khi Ruganzu Bruno cùng nhóm của anh tới khu vực Kawempe của Kampala, người dân địa phương đã xúm lại với đầy vẻ tò mò: “Các anh đang làm gì vậy? Tại sao lại lấy những thứ đồ nhựa bỏ đi này?” - họ hỏi dồn dập khi thấy nhóm của Bruno nhặt về một đống chai nhựa thải chất đầy khu nhà kho ở vùng ngoại ô phía tây bắc Thủ đô Uganda. Và rồi, từ tò mò, những người dân tỏ ra quan tâm thích thú và hưởng ứng dự án với những công trình làm từ vật liệu tái chế. “Chúng tôi muốn gửi tới mọi người thông điệp rằng, khi họ vứt rác đi, họ cũng có thể nhặt lại chúng, vừa có thể tái sử dụng, vừa bảo vệ môi trường” - Bruno nói. Lúc đầu, người dân còn ngượng, nhưng sau đó, họ đã thực sự thích việc làm này. Họ thường xuyên đem đến cho chúng tôi rất nhiều “rác thải”.

Đó là khoảng 4 năm trước đây, khi Bruno vẫn còn là sinh viên Đại học Mỹ thuật Kyambogo. Thời gian đó, người họa sĩ tài năng phát hiện ra rằng anh không chỉ quan tâm đến những tác phẩm nghệ thuật đáp ứng nhu cầu sáng tạo của bản thân mà muốn sự sáng tạo nghệ thuật của mình có tác động tích cực đến cộng đồng. “Những nghệ sĩ như chúng tôi có xu hướng làm việc cho chính mình. Nhưng tôi cảm thấy một sự thay đổi trong chính bản thân, từ đó, tôi không chỉ vẽ đơn thuần mà quyết định sẽ tạo ra những tác phẩm có lợi cho cộng đồng” - họa sĩ Bruno, 30 tuổi, đến từ miền tây nam Uganda giải thích.

“Công viên rác thải” - nghệ thuật vì cộng đồng

Thôi thúc bởi những mong muốn thay đổi môi trường xung quanh, Bruno đã tham gia vào dự án sinh thái nghệ thuật, đưa ra những sáng tạo để đối phó với vấn đề xử lý chất thải ở Kampala. Năm 2010, anh thành lập Eco Art Uganda, một nhóm các họa sĩ có cùng ý tưởng, tận dụng tất cả những phế thải bỏ đi như ti vi, máy tính để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. “Tôi tìm kiếm những vật liệu rẻ, có sẵn và nhận thấy rằng rác thải thực sự có thể trở thành công cụ chuyển tải ý tưởng của mình” - Bruno nói. Anh giờ đã là giảng viên khoa Thiết kế nghệ thuật Đại học Kyambogo.

100 công viên tái tạo

Tháng 4/2012, Bruno giành giải thưởng trị giá 10.000 USD tại Hội nghị TED Doha, Qatar cho ý tưởng tạo ra một sân chơi giải trí cho trẻ em sống ở khu ổ chuột đông đúc ở Kampala. Sử dụng một loạt các loại vật liệu tái chế, Bruno đã biến một sân trường ở khu vực Kireka, Kampala thành một nơi thú vị, an toàn để trẻ em vui chơi và học hỏi.

Công viên sinh thái được hoàn thành vào tháng 9/2012 với những mô hình kỳ lạ, thu hút hàng chục trẻ em tới mỗi ngày - từ chiếc trực thăng đầy màu sắc tới các mô hình trò chơi to như thật làm từ các chai nhựa tái chế hay những khung chơi leo trèo đặc chế từ những chiếc lốp xe cũ.

Bruno nói rằng, người dân địa phương đã nhiệt tình hưởng ứng dự án này bởi trẻ em ở đây quá thiếu khu vui chơi giải trí. “Tôi đã nói chuyện với hiệu trưởng và các phụ huynh, học sinh, họ chính là người đã giúp chúng tôi thu thập những vỏ chai lọ. Vì thế chúng tôi đã cùng nhau tạo dựng được một sân chơi và họ biết cách sửa chữa khi chúng bị hư hỏng. Điều này rất quan trọng để duy trì sân chơi bền vững. Nhưng điều quan trọng hơn, dự án này đã có những tác động tích cực đến các em nhỏ” - Bruno nói. Trẻ em thích thú với việc đến trường hơn trước, số trẻ em bỏ học đã giảm bởi vì giờ đây đã có thứ để “giữ chân” chúng ở trường, các hoạt động vui chơi cũng giúp các em tiến bộ nhiều trong học tập.

Bruno cho biết, mục tiêu của anh là tái tạo khoảng 100 công viên giải trí tương tự ở những nơi khác tại Uganda. Đó là một phần trong nỗ lực không ngừng của Bruno để có những tác phẩm phục vụ cộng đồng mình. “Tôi nghĩ rằng, con người luôn được nhớ đến bởi những công việc mà anh ta đã làm. Tôi là một người ủng hộ bảo vệ môi trường, ủng hộ trẻ em vui chơi, và tôi là một nghệ sĩ… tôi muốn những tác phẩm của mình đem lại hiệu quả cho cộng đồng”, Bruno nói.

Theo ANTĐ
  • 1.939