Trung Quốc hoàn thành tấm vách đầu tiên của siêu "Mặt trời nhân tạo"

  •  
  • 504

Trung Quốc đã sản xuất xong một thành phần cốt lõi của Lò phản ứng Thí nghiệm Nhiệt hạch Quốc tế (ITER), "Mặt trời nhân tạo" lớn nhất thế giới.

Quá trình sản xuất nguyên mẫu kích thước đầy đủ của tấm vách đầu tiên tăng cường dòng nhiệt (EHE FW) cho dự án ITER đã hoàn thành với các chỉ số tốt hơn đáng kể so với yêu cầu thiết kế và đáp ứng điều kiện để sản xuất hàng loạt, đánh dấu bước đột phá mới của Trung Quốc trong nghiên cứu khoa học về công nghệ cốt lõi EHE FW, Xinhua hôm 22/11 đưa tin.

Tấm vách đầu tiên tăng cường dòng nhiệt sẽ tiếp xúc trực tiếp với plasma nóng tới 100 triệu độ C, nên được coi là một trong những thành phần quan trọng nhất của lò phản ứng. Nguyên mẫu kích thước đầy đủ của EHE FW - dài 1,5 m và rộng 1 m - được phát triển bởi Viện Vật lý Tây Nam thuộc Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc.

Cận cảnh nguyên mẫu EHE FW.
Cận cảnh nguyên mẫu EHE FW. (Ảnh: China Sciene)

Lò phản ứng Thí nghiệm Nhiệt hạch Quốc tế được ví như "Mặt trời nhân tạo" vì nó tạo ra năng lượng sạch không carbon theo cách tương tự Mặt trời phát ra ánh sáng và nhiệt thông qua phản ứng tổng hợp hạt nhân hay nhiệt hạch. Phản ứng này thu được thông qua hỗn hợp hai đồng vị hydro nung nóng đến nhiệt độ khoảng 150 triệu độ C, nóng hơn khoảng 10 lần so với lõi Mặt trời.

"Chúng tôi có một cỗ máy ở trung tâm lò phản ứng, nói một cách rất đơn giản là phiên bản thu nhỏ của Mặt trời. Nó tạo ra năng lượng và chúng tôi sẽ sử dụng năng lượng đó để sản xuất điện", Robert Arnoux, phát ngôn viên của ITER, nói với AFP.

ITER là một trong những dự án nghiên cứu khoa học quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới, do 7 thành viên Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ đồng tài trợ và điều hành.

Trung Quốc ký thỏa thuận về việc khởi động dự án ITER với 6 bên còn lại vào năm 2006 và đã chịu trách nhiệm về khoảng 9% công việc trong thí nghiệm tổng hợp hạt nhân này. Theo Global Times, công nghệ sản xuất EHE FW của họ đã trở thành công nghệ đầu tiên đạt chứng nhận quốc tế.

Cập nhật: 26/11/2022 VnExpress
  • 504