Nhận dạng sinh học: một mẩu tóc cũng đủ "bắt hình dong"

  •  
  • 697

Sắp đến thời bạn có thể quẳng đi những tấm thẻ rút tiền ngân hàng, thẻ thanh toán của siêu thị, thẻ ra vào công sở… Thế hệ thiết bị kiểm tra mới sẽ “nhìn” mặt, xem tay bạn để biết chính xác bạn là ai, có thói quen gì. Nhưng nguy hiểm cũng luôn rình rập bạn, do nhiều thông tin cá nhân nằm trong tay người khác.

Sau sự kiện 11/9/2001 làm sụp đổ tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (Mỹ), việc kiểm tra nhân dạng qua các thông số sinh học bằng thiết bị điện tử trở thành một nhiệm vụ ưu tiên số 1 đối với cơ quan an ninh các nước trên thế giới. Đã có một số quốc gia hiện thực hóa được việc này. Vậy lợi ích cũng như bất lợi của nó là gì?

Điểm yếu nhất của hộ chiếu thông thường là chỉ có tấm ảnh chân dung để nhận dạng cùng với sự hiện diện của người sở hữu nó. Liệu còn có cách nào khác giúp đối chiếu chính xác hơn? Phương pháp nhận dạng sinh học chính là một câu trả lời.

Ngón tay và cổ tay

Từ thế kỷ thứ 7, Trung Quốc và Nhật Bản đã phát hiện không người nào có dấu vân tay trùng khớp với người khác. Và họ đã áp dụng biện pháp điểm chỉ vào giấy kết hôn cũng như để nhận dạng tội phạm. Châu Âu đến nửa cuối thế kỷ 20 mới áp dụng phương pháp này, nhưng bù lại, đã hoàn chỉnh nó tới mức tinh vi và phổ biến rộng rãi.

Ngày nay, chỉ cần chạm nhẹ ngón tay vào máy scan (quang học hay siêu âm) bạn đã có thể chứng minh nhân dạng của mình để vào nơi làm việc, rút tiền ở ngân hàng, bỏ phiếu bầu cử… Nhược điểm duy nhất của phương pháp này là máy dễ bị nhiễm bẩn ở bộ phận tiếp xúc ngón tay, ngoài ra bọn tội phạm có thể làm giả vân tay.

Kiểm tra nhân dạng qua các thông số sinh học bằng thiết bị điện tử
Kiểm tra nhân dạng qua các thông số sinh học bằng thiết bị điện tử (Ảnh minh họa)

Cùng nguyên tắc trên, người ta còn áp dụng với cổ tay. Thiết bị HandKey của hãng Honeywell nhận dạng hình dáng (geometrie) của cổ tay cùng với cấu trúc các ngón tay, là những bộ phận không bị trùng lặp và rất khó làm giả.

Người ta cũng tạo ra hệ thống nhận dạng qua ảnh chụp các mạch máu trên bàn tay. Chỉ cần đặt lòng bàn tay trên máy PalmSecure của hãng Fujitsu là xong. Phương pháp này sẽ dần thay thế cho việc ký tên để rút tiền qua ngân hàng vì chủ tài khoản, với nhiều nguyên nhân như tâm trạng, tuổi tác, bệnh tật (parkinson chẳng hạn) sẽ khó giữ nguyên dạng chữ ký ban đầu của mình.

Mắt và khuôn mặt

Nhận dạng qua đồng tử và võng mạc ngày càng trở nên phổ biến. Các loại kính, kể cả kính áp tròng cũng không cản trở gì. Vì sự chính xác gần như tuyệt đối của nó mà những công sở cần tới sự bảo mật cao đang áp dụng rộng rãi. Các thiết bị vẫn đang được hoàn thiện thêm, có thể kiểm tra đối tượng đứng cách xa khoảng nửa mét.

Ngoài ra, nhận dạng khuôn mặt cũng là vấn đề đang được chú ý. Đã có thiết bị điện tử nhận dạng khuôn mặt dù người đó để tóc, râu mép, râu cằm hoặc quay đầu trước camera. Có từ 12 đến 40 tham số để đối chiếu cấu trúc của khuôn mặt. Thiết bị này hiện đang được sử dụng rộng rãi.

Phương pháp kiểm tra ADN hiện được cho là chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên nhược điểm của nó là phải có phòng thí nghiệm, thời gian chờ kết quả nên chỉ lĩnh vực y tế và hình sự mới áp dụng.

Mặt trái của tiến bộ

Tất cả các phương pháp nêu trên đều chứa 3 nhược điểm:

Thứ nhất, các hệ thống nhận dạng có khi bị lỗi, nhất là với các thiết bị rẻ tiền, chứa ít thông số tham chiếu. Tuy nhiên tỷ lệ rủi ro chỉ là một phần triệu.

Thứ hai, đối tượng cần kiểm tra có thể từ chối, và phải thay thế việc kiểm tra bằng các nghiệp vụ khác.

Thứ ba, có sự thay đổi về mặt sinh học ở đối tượng như: bị bỏng, bị bệnh về mắt, bị viêm họng làm thay đổi giọng nói. Những thông số sinh học cũng không thể được bảo mật tuyệt đối.

Có đáng để chúng ta chấp nhận rủi ro để đổi lấy một cuộc sống tiện nghi?
Có đáng để chúng ta chấp nhận rủi ro để đổi lấy một cuộc sống tiện nghi? (Ảnh minh họa)

Ví dụ sau đây là minh chứng hùng hồn: Một nhóm hacker mang tên CCC của Đức đã lấy cắp các thông tin nhận dạng của Bộ trưởng Nội vụ Vonfrang Shsoyble, người cổ xúy mạnh mẽ việc đưa dấu vân tay vào hộ chiếu điện tử, khi ông đang nói chuyện tại một trường đại học, vô tình để lại dấu vân tay của mình trên ly nước. Và thế là những thông tin riêng của ông bị phổ biến trên Internet.

Ngay cả việc sao chép ADN cũng không phải là khó. Người ta vẫn thường để lại dấu vết ADN của mình trên miệng một chiếc ly rửa không kỹ hoặc các sợi tóc vương vãi đó đây…

Kiểm tra bằng điện tử

Một phương án mới về nhận dạng tổng hợp trên thế giới đang được áp dụng: Những tiêu chuẩn và công nghệ tiên tiến được Hiệp hội hàng không dân dụng quốc tế ICAO thống nhất cùng thực hiện. Theo đó, khi phải tới bất kỳ quốc gia nào khác, ai cũng phải trình hộ chiếu, và một con chip điện tử dưới dạng một biểu trưng có chứa những dữ liệu sinh học cá nhân được gắn vào hộ chiếu.

Hình thức dùng ảnh chân dung vẫn còn thông dụng, nhưng một số quốc gia đang chuẩn bị đưa dấu vân tay và ảnh scan đồng tử của người mang hộ chiếu vào con chip. So với ảnh thì con chip này rất khó làm giả, thậm chí khi mạch vi xử lý bị thay đổi thì các dữ liệu gốc vẫn được các cơ quan phụ trách hộ chiếu nắm giữ.

Vĩnh biệt cuộc sống riêng tư!

Sau mỗi một lần kiểm tra khi qua cửa khẩu sân bay, đăng ký khách sạn, trình báo cảnh sát… là một lần các dữ liệu cá nhân chuyển qua các cơ sở lưu trữ điện tử.

Cho dù không nhận thức được, nhưng chúng ta đã để lại dữ liệu cá nhân rải rác ở nhiều nơi, như trong passport của nhà nước, thẻ rút tiền của ngân hàng, thẻ thanh toán của siêu thị, thẻ ra vào của công sở, rồi mã số riêng, mật khẩu v.v… Và nếu có chuyện rắc rối, các dữ liệu này sẽ được in ra và phổ biến. Tuy nhiên, các dữ liệu này thường không được kết nối với nhau, trừ khi có hoạt động điều tra chuyên môn.

Nhận dạng sinh học giúp ta bỏ bớt được hàng tá những tấm thẻ nói trên. Chỉ cần đưa ra thẻ nhận dạng sinh học hoặc đặt ngón tay lên thiết bị nhận dạng là xong. Ngược lại, khi ai đó tiếp cận được mã khóa của bạn, họ sẽ ngay lập tức biết rõ về cuộc sống riêng tư của bạn: Đã ở đâu, mua sắm ở siêu thị nào, đi nghỉ mát ở nơi nào, làm việc từ giờ nào tới giờ nào… Sẽ rất nguy hiểm nếu những dữ liệu này rơi vào tay tội phạm.

Ngay cả khi dữ liệu cá nhân được bảo mật tuyệt đối, ai có thể đảm bảo các cơ quan chức năng sẽ chỉ sử dụng chúng vì mục đích có lợi cho mọi công dân? Nếu một mắt xích trong hệ thống công quyền bị yếu kém, các thông tin sẽ bị sử dụng để loại bỏ một đối thủ, để giải quyết những tranh chấp chính trị… Ngoài ra, các chính phủ không tồn tại mãi mãi, có những thay đổi do bầu cử hoặc do đảo chính. Lúc đó cơ sở dữ liệu về các cá nhân sẽ bị lợi dụng để thanh toán lẫn nhau với danh nghĩa “vì mục đích cao cả”.

Một câu hỏi được đặt ra: Có đáng để chúng ta chấp nhận rủi ro để đổi lấy một cuộc sống tiện nghi? Trong khi chúng ta đang phân vân lưỡng lự thì tiến bộ kỹ thuật không dừng lại. Chúng ta chỉ còn cách chấp nhận và sử dụng mà thôi.

Theo NLĐ
  • 697