Cụ rùa khổng lồ 190 tuổi già nhất hành tinh vẫn nỗ lực ghép đôi

  •  
  • 311

Jonathan sống trên đảo St. Helena được Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận nhiều tuổi nhất. Dù tuổi đã cao, mắt bị mù nhưng nó vẫn nỗ lực ghép đôi.

Jonathan sinh năm 1832, đồng nghĩa năm nay đã 190 tuổi, tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới thông báo hôm 12/1. Jonathan thuộc phân loài rùa khổng lồ Seychelles (Aldabrachelys gigantea hololissa). Nó vốn đã giữ Kỷ lục Guinness Thế giới về động vật già nhất còn sống trên cạn. Hiện tại, nó chính thức trở thành con rùa lớn tuổi nhất từng được ghi nhận, đánh bại "kỷ lục gia" trước đó là Tu'i Malila, một con rùa thuộc loài Astrochelys radiata chết vào năm 1965, thọ ít nhất 188 tuổi.

Cụ rùa Jonathan
Jonathan, sống trên đảo St. Helena, lập kỷ lục là con rùa già nhất từng ghi nhận. (Ảnh: Gianluigi Guercia/AFP)

Jonathan sống tại St. Helena, một hòn đảo ở Nam Đại Tây Dương. "Con vật là một biểu tượng của địa phương, tượng trưng cho sự bền bỉ trước những thay đổi", Joe Hollins, bác sĩ thú y của Jonathan, chia sẻ với tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness.

Bảo tàng Anh ở London cho biết, Jonathan đến St. Helena vào năm 1882, khi khoảng 50 tuổi. Một bức ảnh của Jonathan chụp trong giai đoạn năm 1882 - 1886 cho thấy con vật đã trưởng thành hoàn toàn. Điều này chỉ ra khi được chụp, nó ít nhất đã 50 tuổi. Do đó, số tuổi thực tế của nó có thể lớn hơn 190.

Tuổi tác cao, Jonathan bị mù và không thể ngửi nhưng vẫn kiếm ăn trong khuôn viên dinh thự của thống đốc St. Helena. Nó sống với những con rùa khổng lồ khác gồm David, Emma và Fred. Nó được cho ăn bằng tay mỗi tuần một lần để đảm bảo nhận đủ calo. Thức ăn yêu thích của Jonathan gồm bắp cải, dưa chuột và cà rốt.

Ngoài ăn, những mối quan tâm to lớn khác của con vật là ngủ và ghép đôi. "Bất chấp tuổi tác, Jonathan vẫn dồi dào sinh lực và thường xuyên được bắt gặp giao phối với Emma, đôi khi là Fred", Hollins cho biết.

Giới khoa học vẫn chưa hiểu rõ toàn bộ cơ chế cho phép những con rùa như Jonathan sống lâu đến vậy. Rùa khổng lồ có khả năng tiêu diệt nhanh chóng các tế bào bị tổn hại nhờ một quá trình gọi là apoptosis. Điều này có thể giúp bảo vệ chúng khỏi tổn thương ở những tế bào thường xuống cấp khi cơ thể già đi.

Tuổi thọ của Jonathan có thể vô địch trên cạn, nhưng dưới nước vẫn có những động vật sống lâu hơn. Ví dụ, cá mập Greenland (Somniosus microcephalus) có tuổi thọ tối đa ước tính là 272 năm hay thủy tức, một nhóm động vật không xương sống nhỏ giống sứa, liên tục tái tạo tế bào và dường như không hề già đi.

Cập nhật: 28/01/2022 Theo VnExpress
  • 311