Cuộc chiến đấu của tổ chức Hoà Bình Xanh

  •   52
  • 678

Giữa những chiếc tàu của tổ chức Hoà Bình Xanh và các thợ săn Nhật đang diễn ra một cuộc rượt đuổi, đôi khi giống như một trận hải chiến. Từ khi Nhật mở chiến dịch săn bắt cá voi hằng năm, các thành viên Hoà Bình Xanh thường xuyên làm lá chắn giữa thợ săn và những con mồi.

Khu vực đó được gọi là Thánh địa cá voi. Nó nằm ngoài khơi Nam Băng Dương, cách Nam cực vài dặm. Ngày 19/1, hàng chục người đến nhập bọn với lũ chim cánh cụt. Họ mặc bộ đồ màu cam, nằm xuống mặt băng tạo thành một thông điệp. Nếu nhìn từ trên cao, người ta có thể đọc thấy "Hãy giúp ngăn chặn nạn săn bắt cá voi". Họ là những thành viên của tổ chức GreenPeace (Hoà Bình Xanh).

Các thành viên Hoà Bình Xanh đang vật lộn để cứu những con cá voi khỏi bàn tay của các thợ săn
Các thành viên Hoà Bình Xanh đang vật lộn để cứu những con cá voi khỏi bàn tay của các thợ săn. (Ảnh: GreenPeace)

Sáng 21/12, sau nhiều ngày tìm kiếm, màn hình radar trên chiếc Esperanza của Hoà Bình Xanh phát hiện ra một cái gì đó. Các thành viên mang ống nhòm trèo lên đài chỉ huy và nhìn thấy đội tàu Nhật xuất hiện ở phía xa. Thoạt tiên là chiếc Nisshin Maru, con tàu nhà máy chuyên xẻ thịt cá voi, kế đến là 3 chiếc tàu săn. Thân tàu thon gọn để đạt tốc độ cao, ở mũi tàu sừng sững khẩu súng bắn lao. Mỗi chiếc lao nặng 40 kg, ở đầu có gắn lựu đạn.

Lập tức các thành viên hạ cano xuống nước và chuẩn bị cho cuộc chạm trán. Anh chàng Alain rất kinh ngạc trước cảnh tượng những chiếc cano mảnh dẻ lại dám thách thức những chiếc tàu săn cá voi khổng lồ của Nhật. Chiếc cano của anh tiến đến gần đuôi của một chiếc tàu như vậy. Thuỷ thủ trên tàu xịt nước để xua đuổi họ. Trên tàu, những chiếc loa phát ra các lời kêu gọi đã được thu sẵn yêu cầu thợ săn dừng mọi hoạt động. Cách đấy không xa, sườn tàu Nisshin Maru chảy ròng ròng máu của những con cá voi đang bị chặt xẻ trên boong. Một chiếc tàu săn đang tiến đến gần con tàu nhà máy để chuyển chiến lợi phẩm vừa săn được. Lúc ấy trên chiếc Esperanza, quyết định can thiệp được đưa ra. Thuyền trưởng Frank cho tàu chặn đường đi của con tàu săn. Trong lúc vận hành, một chiếc cano bị kẹt giữa các đợt sóng nhồi của tàu săn cá voi và chiếc Esperanza nên lật úp, ném thuỷ thủ đoàn xuống làn nước lạnh giá. Thêm vào đó là một vụ đụng tàu nhưng may thay chẳng có thiệt hại gì đáng kể.

Ngày đầu tiên đầy nhọc nhằn vẫn không làm các thành viên GreenPeace nản chí. Sáng hôm sau họ đề ra chiến thuật mới. Với chiếc bơm cứu hoả cực mạnh trên một chiếc cano, họ sẽ tạo thành một màn nước ngay trước mũi con tàu săn, như thế các thợ săn sẽ không thể nhằm bắn chính xác được. Chiến thuật đó tỏ ra thật hữu hiệu. Trong nhiều giờ liền, các chiến sĩ sinh thái lượn lách giữa những con tàu săn và con mồi, cố đoán trước nơi mà cá voi bị săn đuổi sẽ trồi lên mặt nước. Một con đã bị bắn. Theo Alain, phải cần 4 phát súng để kết liễu nó sau khi nó bị trúng lao. Trên boong chiếc tàu săn Yushin Maru, người ta thấy một tấm biển mang dòng chữ: "GreenPeace, bọn cướp biển man rợ".

Trò chơi mèo vờn chuột đầy nguy hiểm đó bị cắt ngang bởi điều kiện thời tiết quá xấu khiến nhóm GreenPeace không thể cho cano xuống nước được. Trong vòng 10 ngày, đội tàu săn của Nhật ngưng hoạt động để chuyển sang một khu vực khác xa hơn. Nhóm GreenPeace tiếp tục truy đuổi nhưng quả là không dễ trong màn sương mù dày đặc và ở khu vực săn cá voi rộng gấp đôi nước Mỹ.

Năm nay Nhật quyết định tăng mức đánh bắt cá để vượt qua con số 935 con cá voi, đặc biệt là rorqual, loài nhỏ nhất trong số 13 loài cá voi lớn dành cho việc săn bắt cho đến thập niên 1970, nhưng hiện có nguy cơ tuyệt chủng. Dù trong năm 1986 đã có một hiệp định ngăn cấm việc săn bắt thương mại nhưng Nhật vẫn tiếp tục đánh bắt dựa vào một điều khoản trong hiệp định cho phép săn cá voi với mục đích khoa học. Đây là một bình phong che đậy những mục đích thương mại và theo tổ chức GreenPeace, việc kinh doanh thịt cá voi đã mang lại cho Nhật 52 triệu đôla trong năm 2005. Nhiều con cá voi bị đánh bắt trong vùng biển Nam cực đã có mặt trong các nhà hàng Nhật, được chế biến thành món sushi. Ngay cả trước các cấp có thẩm quyền quốc tế, Nhật vẫn không chịu lùi bước. Tháng 6/2005, bất chấp sự phản kháng của Uỷ ban Cá voi quốc tế, Tokyo vẫn cương quyết duy trì mục tiêu. Nhiều người lo ngại rằng Nhật sẽ bắt chước Na Uy, quốc gia duy nhất cho phép đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại. Iceland cũng thường bị lên án là lách luật để đánh bắt cá voi dưới chiêu bài khoa học.

Buổi sáng 5/1, nhóm GreenPeace lại tìm thấy mục tiêu của họ. Trò chơi lại tiếp diễn, ngày càng mạnh bạo hơn, nguy hiểm hơn, hậu quả của sự bực tức dâng cao ở cả hai phía. Rất nhiều lần cano của nhóm sinh thái nằm trước tầm ngắm của súng phóng lao. Ngày 14/1, một mũi lao sướt qua chỉ cách 1 mét trên đầu của nhóm. Khi thợ săn rút dây lại, một thành viên bị ngã xuống nước. Nhóm GreenPeace quyết định không áp dụng biện pháp cản đầu nữa. Trước đó vài ngày, một vụ va chạm đã xảy ra làm hư hại nặng chiếc Artic Sunrise của nhóm.

Ngày hôm đó, người thợ săn đã bắn trúng đích, nhưng con cá voi chỉ bị thương. Mũi lao đã trượt trên lưng nó, tạo nên vết thương khá sâu. Thế là nhóm sinh thái ngừng can thiệp. Thà để người thợ săn kết thúc công việc. Anh ta phải mất 1 giờ và 5 lần bắn liên tiếp mới làm được điều đó. Sợi dây được thu lại, kéo con cá về tàu.

Alain kể lại: "Con cá vẫn còn sống. Nó giãy giụa, cái đuôi đập vào thành tàu và nước biển đỏ ngầu. Tôi không có từ nào để mô tả cảnh tượng đang diễn ra chỉ cách chúng tôi 20 mét. Cơn hấp hối của con vật kéo dài 25 phút. Vì họ không thể kết liễu nó bằng một phát súng nên họ để mặc nó chết đuối...".

Theo Kiến Thức Ngày Nay, Paris Match, VNE
  • 52
  • 678