Cuộc nghiên cứu đầu tiên về xương người VN

  •  
  • 428

Từ tháng 8.2006, Hội Thấp khớp học VN sẽ thực hiện nghiên cứu đầu tiên về mật độ xương và tỷ lệ loãng xương người VN. Hoạt động này đặc biệt có ý nghĩa với việc cải thiện sức khỏe cộng đồng cũng như cải thiện thể chất cho người VN. GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học VN cho biết:

GS.TS Trần Ngọc Ân

GS.TS Trần Ngọc Ân
(Ảnh: TN)

- Việc phòng loãng xương đang là vấn đề thời sự của cả thế giới. Chỉ riêng trong một năm qua, Tổ chức loãng xương thế giới (IOF) đã hai lần khuyến nghị chúng ta cần quan tâm nhiều hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, nước ta hiện vẫn chưa có số liệu cụ thể về mật độ xương bình thường theo giới và theo các lứa tuổi. Các số liệu vẫn phải dựa vào tài liệu của nước ngoài. Trong khi đó, muốn phòng và chữa các bệnh về xương khớp thì việc đầu tiên phải biết rõ được tỷ lệ bệnh, về chất lượng xương (mật độ xương) để có kế hoạch đưa ra các biện pháp dự phòng góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Từ tháng 8.2006, chúng tôi sẽ thực hiện nghiên cứu đầu tiên về mật độ xương và tỷ lệ gãy xương do loãng xương ở người VN. Nghiên cứu này được thực hiện tại 4 tỉnh, thành đại diện cho miền Bắc và Nam.

* Giới chuyên môn từng cảnh báo về một số thiết bị đo loãng xương không đảm bảo chất lượng, vậy việc nghiên cứu sẽ thực hiện theo phương pháp nào để có thể đảm bảo độ chính xác?

- Khoảng 10 năm trước đây, khái niệm về loãng xương rất mơ hồ và không có phương pháp chuẩn. Hiện nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đã có máy đánh giá mật độ xương tia X năng lượng kép (Dexa). Đây cũng là phương pháp đánh giá theo "Tiêu chuẩn vàng" của thế giới, sẽ được chúng tôi áp dụng trong nghiên cứu này. Hiện tại, đó là phương pháp cho kết quả tin cậy nhất tại VN. Chúng tôi cũng lưu ý về các phương pháp đo loãng xương khác. Ví dụ như đo loãng xương gót chân. Phương pháp này chỉ có thể nói lên mật độ xương ở vị trí đó, giúp đánh giá sơ bộ, mang tính chất tham khảo chứ không phản ánh được đầy đủ về chất lượng xương.

* Hiện tại, nhiều hãng sữa quảng cáo về sản phẩm có bổ sung calcium giúp phòng loãng xương. Giáo sư cho biết thực chất hiệu quả của các sản phẩm này? Có trường hợp bệnh lý nào không nên bổ sung calcium ?

- Nói chung, sữa là sản phẩm cung cấp năng lượng và vi chất tốt cho cơ thể, vì vậy, nên có thói quen sử dụng sữa thường xuyên ở các lứa tuổi. Còn sản phẩm bổ sung calcium cũng được coi là hữu ích trong hỗ trợ phòng loãng xương. Bổ sung calcium có trong thực phẩm sẽ hấp thụ tốt hơn uống calcium hằng ngày. Tuy nhiên, người suy thận nặng không nên sử dụng thực phẩm này. Việc uống sữa có calcium cũng cần ở mức hợp lý được khuyến cáo, với các sản phẩm phù hợp với lứa tuổi. Nếu uống nhiều cũng không hấp thụ được và có thể gây rối loạn tiêu hóa và lại tốn kém về chi phí.

"Để phòng loãng xương, ngoài việc sử dụng các sản phẩm bổ sung calcium, cần quan tâm đến chế độ vận động hợp lý, dinh dưỡng cân đối, hạn chế rượu bia, thuốc lá và nước có gas. Nên lưu ý, phòng loãng xương là một quá trình, và tốt nhất nên tạo được quỹ xương cao từ khi còn trẻ tuổi. Vì từ sau 30 tuổi, quỹ xương của cơ thể giảm dần. Nếu cơ thể đã có khối xương tốt được tích lũy từ khi còn trẻ, sẽ hạn chế được tình trạng giảm mật độ xương, loãng xương về sau. Kết quả nghiên cứu về chất lượng xương người VN sẽ đóng góp trong việc phòng loãng xương, là cơ sở xây dựng các chương trình lâu dài cho các hoạt động nâng cao thể chất người VN".

TS Vũ Thị Thanh Thủy, Phó trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

Theo Thanh Niên
  • 428