Một miếng pho mát Casu Marzu nhỏ có thể chứa tới hàng nghìn con giòi còn sống ngọ nguậy. Nếu chúng chết, miếng pho mát sẽ bị hỏng và biến thành chất độc rất có hại tới dạ dày của thực khách.
Casu Marzu không dành cho những người yêu các loại pho mát thông thường. Tên của loại đặc sản lạ lùng này có nghĩa là "pho mát thối rữa", thậm chí bên trong nó còn đầy giòi bọ.
Cận cảnh những con giòi nhúc nhích trong bánh pho mát Casu Marzu lớn.
Casu Marzu bắt đầu từ Pecorino Sardo, một loại pho mát điển hình được ngâm trong nước muối, xông khói và xếp vào hầm cho tới khi chín của trung tâm vùng Sardinia, Italy. Tuy nhiên để làm ra Casu Marzu, người dân nơi đây phải cắt mở phần trên của khối pho mát Pecorino Sardo để những con ruồi pho mát Piophila casei đẻ trứng vào trong.
Khi trứng nở và chuyển thành những con giòi, chúng lớn lên bằng cách ăn chính "ngôi nhà'' pho mát của mình. Theo cách đó, chúng sản sinh ra các loại enzyme làm tăng độ lên men và độ béo cho miếng pho mát, hình thành Casu Marzu.
Đôi khi để đẩy nhanh tốc độ chế biến Casu Marzu, người ta cắt sẵn khối pho mát Pecorino Sardo và cho những con giòi đã nở trứng vào.
Mặt cắt của một miếng pho mát Casu Marzu. (Ảnh: Studytub).
Casu Marzu là đặc sản nổi tiếng và được yêu thích nhất vùng Sardinia. Nó là loại pho mát siêu mềm, vị cay sâu tới mức thực khách phải ứa nước mắt hay bỏng lưỡi.
Một số người cho rằng Casu Marzu có vị như pho mát Gorgonzola đã chín. Tương tự đó, thay vì những vân xanh thơm ngon của Gorgonzola thì Casu Marzu chứa đầy giòi. Chỉ một miếng nhỏ loại pho mát này có thể chứa tới cả nghìn con giòi sống nhúc nhích.
Thực tế, người dân Sardinia cho biết vị cay và béo ngậy của pho mát chỉ có thể cảm nhận được khi ăn những con giòi đang còn sống và ngọ nguậy. Những con giòi đã chết thì bánh pho mát Casu Marzu cũng hỏng theo, quá thối rữa và trở thành chất độc hại đối với con người.
Casu Marzu bị coi là thực phẩm bất hợp pháp vì không theo đúng chuẩn vệ sinh của Liên minh châu Âu. Đặc sản này bị cấm theo luật sức khỏe của Italy và không được bán ở các cửa hàng. Ngoài ra, xuất hiện rất nhiều báo cáo về dị ứng với Casu Marzu (như cảm giác bỏng rát da nhiều ngày), ngày càng có nhiều mối lo ngại về bệnh lậu ruột, hoặc nhiễm trùng ấu trùng ruột.
Một khi đã ăn món này, có khả năng ấu trùng ruồi pho mát đi qua dạ dày mà không bị chết (đôi khi axit trong dạ dày không đủ mạnh để tiêu diệt chúng). Trong trường hợp đó, các con giòi có thể "tạm trú'' trong ruột một thời gian. Chúng có thể gây nên những tổn thương nghiêm trọng, có thể dẫn tới đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy ra máu.
Bất chấp những cảnh báo sức khỏe, người dân Sardina vẫn nói rằng họ ăn pho mát giòi hàng trăm năm qua mà không gặp vấn đề gì. Trên thực tế, pho mát Italy là món phải có trong bàn tiệc của những dịp đặc biệt như ngày sinh nhật, tiệc độc thân hay đám cưới.
Casu Marzu không được bán rộng rãi ở Italy nhưng những người chăn cừu vẫn tiếp tục làm với số lượng nhỏ cho các chợ đen. Chúng chỉ dành cho các khách hàng tin cậy nhất, bán hay phục vụ món này đều bị phạt tiền rất nặng.
Pho mát giòi có giá cao gấp đôi so với pho mát Pecorino. Nó thường được cắt lát mỏng ăn cùng bánh mì Sardinia và uống kèm rượu mạnh Cannonau.
Lưu ý cuối cùng về loại đặc sản kỳ lạ này là mọi người phải che mắt khi ăn Casu Marzu, vì những con giòi có thể "nhảy" cao tới 15 cm thẳng về phía nhãn cầu với độ chính xác cao. Hãy kẹp mẩu pho mát giòi thành chiếc sandwich rồi lấy tay che mắt trước khi ăn.