"Đại vương" săn mồi của vùng biển Nhật: Thân hình "bé bự", thống trị ở độ sâu 2.000 mét nước

  •   12
  • 2.052

Cá nhám yokozuna có lẽ là loài cá có xương lớn nhất sống dưới đáy sâu mà loài người biết đến.

"Đại vương" với thân hình to lớn thống trị biển sâu

Các nhà khoa học Nhật đã ghi được cảnh quay hiếm của một con cá nhám có xương đen trùi trũi, thân hình to lớn. Con cá này được coi là giống cá biển sâu lớn nhất từng thấy, theo Cơ quan Khoa học và Công nghệ Hải dương-Trái Đất Nhật Bản (JAMSTEC).

Các nhà khoa học tính toán "đại vương" hải dương này có kích thước tới 2,5m
Các nhà khoa học tính toán "đại vương" hải dương này có kích thước tới 2,5m.

Theo các nhà khoa học tại JAMSTEC, con cá này mới được công nhận là loài mới hồi tháng 1 năm ngoái và là kẻ săn mồi đỉnh cao trong vùng biển sâu vịnh Suruga. Để chụp ảnh một con cá đặc biệt "bé bự", họ đã dụ nó vào một lồng chứa nằm sâu 2km dưới đáy biển, 400km ngoài khơi vịnh Suruga.

Sau khi đã dụ được vài con cá nhám yokozuna vào lồng, họ quan sát xem chúng làm gì và ước tính kích thước. Theo đó, một con cá "đại vương" đã lùa các con cá khác khỏi chỗ đồ ăn để nó đánh chén. Các nhà khoa học tính toán "đại vương" hải dương này có kích thước tới 2,5m, là ngoại cỡ ngay cả với những con cùng loài.

Yoshihiro Fujiwara, một nhà nghiên cứu chính về sinh học biển sâu tại JAMSTEC cho biết: "Con cá được phát hiện lần này lớn đến mức chúng tôi phải tính đi tính lại nhiều lần". Ông cũng cho biết rất có thể còn có nhiều cư dân đại dương bí ẩn khác sống dưới biển sâu, tương tự con cá nhám này nhưng chưa được tìm ra.

Ảnh một cá thể cá nhám yokozuna do JAMSTEC cung cấp.
Ảnh một cá thể cá nhám yokozuna do JAMSTEC cung cấp.

Đến nay, có 6 con cá nhám yokozuna đã bị bắt, nhưng con lớn nhất cũng chỉ được coi là "tí nị" so với con ngoại cỡ trên, với kích thước 1,4m.

Trước "đại vương" cá nhám này, loài cá lớn nhất được tìm ra sống dưới đáy biển sâu là con cá đuôi chuột grenadier. Cá thể to lớn nhất của con cá có tên kỳ lạ này có chiều dài 2,1m.

Phát hiện lý thú và cái tên đầy vinh dự

Việc tìm ra loài cá đặc biệt này và đặt tên cho nó cũng là một câu chuyện thú vị. Một ngày mùa đông nắng ráo, nhà hải dương học Yoshihiro Fujiwara đang đo đạc, quan sát lũ cá chồn mập lùn như bao ngày bình thường khác thì bỗng dưng một tiếng huyên náo nổ ra trên thuyền.

Thủy thủ đoàn của con tàu nghiên cứu vừa bắt gặp một loại cá có ngoại hình kỳ dị, to lớn.

"Ồ! Ta có một con cá vây tay này!" - khi đưa cá thể trên lên tàu, kích thước của nó khiến các thủy thủ đoàn ngạc nhiên đến mức bỗng dưng nhớ đến một loài "hóa thạch sống" vốn chỉ tìm thấy ở châu Phi và Indonesia.

JAMSTEC đang nghiên cứu một cá thể qua máy quét.
JAMSTEC đang nghiên cứu một cá thể qua máy quét.

Tuy nhiên, Fujiwara có chút nghi ngờ vì khu vực vịnh Suruga này vốn có rất đông cư dân đại dương tụ tập sinh sống. Hơn nữa, các nhà khoa học đã nghiên cứu sâu rộng về địa bàn này từ thế kỷ 19 nên ông nghĩ hẳn phải có ai đó đã tìm được con cá này trước đây rồi.

Ngạc nhiên là Fujiwara đã nhầm! Sau khi tra cứu tài liệu, kiểm tra chéo với các đồng nghiệp khắp thế giới, nhóm của ông tại JAMSTEC phát hiện ra con cá mồm đầy răng, thân hình bự con với cái đầu như hình ngọn giáo này là một loài hoàn toàn mới - một phát kiến sinh học.

Sau khi phát hiện thêm vài cá thể khác, họ quyết định bảo tồn chúng trong hóa chất hoặc tủ đông để tiện nghiên cứu sau này. Sử dụng các phương pháp khoa học, họ tìm ra nó là một loại cá nhám - một bộ cá phân bố rộng khắp toàn cầu.

Vấn đề là, lũ cá này có kích thước đột biến. Trong khi các anh em họ hàng của chúng chỉ khoảng 35cm, nhóm cá này dài đến trung bình 1,4 mét và nặng 25kg - ngang với một đứa trẻ nhỏ. Cần biết kích thước như vậy, đặc biệt như con cá "đại vương" 2,5m kể trên, là vô cùng hiếm gặp ở các loài sống dưới sâu hơn 2.000m nước.

Chiếc miệng đầy răng là vũ khí đáng sợ của các "võ sĩ" đại dương này.
Chiếc miệng đầy răng là vũ khí đáng sợ của các "võ sĩ" đại dương này.

Nhờ kích thước đó, lũ cá này được vinh dự mang tên "yokozuna" - cấp cao nhất trong hệ thống võ sĩ sumo truyền thống của Nhật. Nhưng kích thước là chưa đủ để nói lên năng lực "chiến binh" của nó. Nhóm cá này có thân hình vạm vỡ, khỏe mạnh và chế độ ăn "dũng mãnh" hơn những họ hàng tầm thường chỉ đi săn sứa với phù du.

Cá nhám yokozuna không thèm những món "thức ăn" tầm thường và yếu đuối ấy; chúng săn các loài cá khác và thậm chí "xơi" cả xác sinh vật biển. Hơn nữa, chúng cũng là những "vận động viên" bơi kỳ cựu và có thể bơi rất xa, đối lập với hơn 100-có-lẻ người anh em cùng bộ cá nhám.

Chưa hết, bộ vũ khí của nó còn là một "rừng gươm giáo" với 80-100 chiếc răng sắc nhọn, sẵn sàng hủy diệt mọi kẻ thù. Với đặc tính sinh học như vậy, cá nhám yokozuna có thể được ví như sư tử hoặc cá voi sát thủ phiên bản biển sâu.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bí ẩn về loài cá biển sâu này mà các nhà khoa học vẫn khao khát tìm hiểu thêm.

Cập nhật: 14/08/2022 PNVN
  • 12
  • 2.052