Đặng Hoàng Minh và tấm bằng bảo mật quốc tế

  •  
  • 156

Ngồi trước mặt tôi là anh chàng mảnh khảnh, gầy gò, nhưng những gì anh đạt được trong suốt quá trình hàng chục năm ham mê học tập thì không "mỏng" chút nào.

Chuyến xuất ngoại "để đời"

Có chút ngập ngừng và khiêm tốn trong cách tiếp xúc, Đặng Hoàng Minh chậm rãi kể tôi nghe về những bước gian truân trên con đường vươn đến đẳng cấp quốc tế.

Năm 1994, khi tốt nghiệp ngành điện tử Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, chàng trai 22 tuổi ngày ấy nghĩ rằng với tấm bằng ngành điện tử, nếu học thêm ngành tin học thì sẽ giúp ích được nhiều hơn cho công việc. Thế là Đặng Hoàng Minh lại khăn gói tiếp tục thi vào khoa Tin học (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh). Đậu và tiếp tục học. Khi ra trường Minh được nhận ngay vào Công ty phần mềm Quantic với mức lương kha khá và kiêm luôn vị trí nhân viên bảo mật của một công ty khác.

Năm 2000, trụ sở chính của công ty mẹ tại châu Âu mà anh làm việc thiếu nhân sự trầm trọng nhằm chuẩn bị cho việc đánh giá hệ thống máy tính để đối phó với sự cố Y2K. Tuyển dụng khắp nơi cuối cùng họ chuyển hướng sang Việt Nam để tìm nhân tài. Đặng Hoàng Minh được đề cử. Sau khi trải qua các vòng khảo nghiệm, anh chính thức được "xuất khẩu" và vào làm việc cho Công ty SpaceBel, một công ty chuyên viết phần mềm điều khiển các vệ tinh của Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu.

Minh cho biết: "Công việc ở đấy tuy không khó lắm nhưng đòi hỏi sự cẩn thận tỉ mỉ. Làm việc suốt 10 tháng trong không khí kỷ luật nghiêm ngặt, hệ thống máy tính không gặp bất cứ trục trặc nào. Công ty mẹ ở đó đánh giá rất cao kết quả công việc. Trước khi về nước, một bệnh viện gần đó đã đề nghị tôi ở lại và ký hợp đồng 5 năm, nhưng tôi đã từ chối. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn giữ nguyên phong cách làm việc nhanh nhạy và gọn gàng của các đồng nghiệp nước ngoài và một thói quen... không ngủ trưa để dành thời gian làm việc".

Về nước, có công việc ổn định, nhưng anh không dừng lại với chừng ấy kiến thức. Ban ngày làm việc, ban đêm Minh học thêm và chỉ hai năm sau đã lấy được các chứng chỉ về bảo mật là MCSE và Comptia Security+. Có thêm bằng cấp, Minh tìm được một chỗ trong công việc giảng dạy tin học vào ban đêm.

Tấm bằng bảo mật quốc tế

Công việc trôi đi đều dặn, những tưởng anh chàng kỹ sư trẻ mãi gắn với nghề bảo mật hệ thống và anh giáo viên IT hằng đêm. Nhưng bản tính ham học hỏi khiến anh tự thấy không thể dừng chân ở đó. Minh tâm sự: "Trước đây vấn đề bảo mật không được chú trọng vì rủi ro rất thấp. Nhưng ngày nay, hầu hết các công ty, tổ chức đang ráo riết tìm kiếm chuyên gia về bảo mật hệ thống để giúp họ bảo vệ các thông tin quan trọng nhằm bảo đảm sự sống còn và cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Việt Nam sắp hội nhập, vì vậy đẳng cấp của mình phải vươn đến tầm quốc tế".

Nghĩ vậy, Minh quyết tâm tìm kiếm cho mình một tấm bằng do các tổ chức thế giới chứng nhận. Minh quyết định xin nghỉ công việc giảng dạy buổi tối, chú tâm nghiên cứu sách vở để đi thi chứng chỉ CISSP, tấm bằng uy tín nhất thế giới hiện nay về bảo mật, có thể giúp công ty thực hiện kế hoạch bảo mật, thực hiện phân tích rủi ro, tìm các giải pháp bảo mật và bảo vệ tài sản, hệ thống máy tính, các dữ liệu trên đó.

Đặng Hoàng Minh kể: "Tìm hiểu kỹ tôi mới biết ở Việt Nam không có trung tâm đào tạo và tổ chức thi CISSP, do đó phải tự mình học và đăng ký thi ở nước ngoài. Ngày 24-6 vừa qua, tôi phải một mình khăn gói sang Malaysia để dự thi. Xem giới thiệu mới biết cả Việt Nam mới chỉ có vài người có được chứng chỉ này, nhưng hầu như đều phải thi đến lần thứ hai mới đậu. Toàn thế giới cũng chỉ có khoảng 40.000 người có chứng chỉ này. Tôi run lắm bởi câu hỏi thi không liên quan đến bất kỳ sản phẩm hay nhà cung cấp sản phẩm nào, có nghĩa là không có câu hỏi liên quan đến Windows 2000, Cisco, Unix, Linux, Checkpoint... mà chủ yếu hỏi về kinh nghiệm xử lý. Vật lộn suốt 6 tiếng đồng hồ với 250 câu hỏi trắc nghiệm, không có giờ nghỉ trưa, tôi cũng đã hoàn thành bài thi của mình. Vài hôm sau thì biết tin mình đậu".

Có được tấm bằng danh giá, Đặng Hoàng Minh lập tức được nhiều công ty phần mềm đánh tiếng mời về cộng tác. Minh đã chọn Antra, một trong năm công ty gia công phần mềm hàng đầu ở Việt Nam với vị trí Giám đốc hệ thống thông tin, quản lý bộ phận IT gồm 12 người. Công việc hằng ngày của Minh là thiết lập các chính sách bảo mật, thiết kế và vận hành hệ thống, bảo đảm sự hoạt động liên tục của hệ thống ngay cả khi sự cố xảy ra.

Bận rộn với công việc, nhưng Minh vẫn vui vẻ cho biết: "Mình rất muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với mọi người, và trong kế hoạch sắp tới Minh vẫn sẽ dành thời gian để nghiên cứu sâu hơn về hệ thống và giải pháp bảo mật".

Theo Thanh Niên Online
  • 156