Giới khoa học Australia sửng sốt khi phát hiện một tảng băng khổng lồ trôi dạt lang thang trên vùng biển của nước này.
Ảnh: Daily Mail.
Daily Mail cho biết, một số chuyên gia của bộ phận nghiên cứu Nam Cực thuộc Bộ Môi trường, Nước, Di sản và Nghệ thuật Australia phát hiện tảng băng hôm thứ năm khi họ đang làm việc trên đảo Macquarie (nằm giữa Nam Cực và Australia). Ban đầu khối băng cách đảo này khoảng 9 km. Nó dài xấp xỉ 500 m và cao chừng 50 m.
Hành trình của khối băng từ Nam Cực trên bản đồ được minh họa bằng màu đỏ.
Ảnh: Daily Mail.
Các nhà khoa học khẳng định hiện tượng băng trôi quá xa khỏi Nam Cực là rất hiếm. Neal Young, một chuyên gia về Nam Cực của Australia, cho rằng rất có thể khối băng tách ra từ thềm băng Ross của Nam Cực.
Trong mấy năm qua người ta nhìn thấy nhiều tảng băng trôi về phía bắc và qua đảo Macquarie. Nhưng các nhà khoa học hiếm khi chứng kiến cảnh tượng băng trôi quá xa về phía các vùng nước ấm ở phía bắc. Họ tin rằng khối băng sẽ tan rất nhanh trong quá trình di chuyển vào vùng nước ấm. Nhưng trước khi tan hoàn toàn, nó có thể là mối nguy hiểm đối với tàu, thuyền.
Đảo Macquarie nằm giữa Nam Cực và Australia. Ảnh: Daily Mail.
Vào năm 2000 nhiều khối băng khổng lồ tách khỏi thềm băng Ross và Ronne thuộc Nam Cực, trong đó khối đầu tiên dài tới 300 km và rộng khoảng 37 km. Giờ đây những khối băng ấy vẫn đang trôi dạt trên biển.
Giới khoa học cho rằng cảnh tượng băng trôi xuất hiện ngày càng nhiều là bằng chứng cho thấy trái đất đang thực sự ấm lên khiến băng tách khỏi Nam Cực dễ dàng hơn.