Từ rác vũ trụ cho đến sự xuất hiện của vũ khí diệt vệ tinh, vấn đề an toàn - an ninh không gian đang khiến nhiều bên lo ngại.
AFP hôm 24/5 dẫn thông báo của Cơ quan Không gian Ecuador (EXA) cho hay vệ tinh Pegaso của nước này đụng phải mảnh vỡ của một tên lửa đẩy S-14 do Liên Xô phóng lên hồi năm 1985. Vụ việc xảy ra vào khoảng 5 giờ 38 phút (giờ GMT) ngày 22/5 ở độ cao 1.500km bên trên bờ biển phía đông của Madagascar. Theo các kỹ sư của EXA, Pegaso, vệ tinh đầu tiên do Ecuador chế tạo đã hư hỏng và không thể tiếp tục truyền dữ liệu nhưng vẫn đang lơ lửng trong quỹ đạo. Vụ va chạm xảy ra chỉ vài tháng sau khi một vệ tinh Nga đụng phải rác vệ tinh Trung Quốc. Theo trang tin Space.com, ngày 22/1, một mảnh vỡ của vệ tinh Fengyun 1C đâm vào vệ tinh Blitz của Nga, gây hư hại nghiêm trọng.
Hiện có khoảng 5.500 tấn rác trên quỹ đạo trái đất, bao gồm mảnh vỡ vệ tinh
Fengyun 1C bị bắn hạ hồi năm 2007 (Ảnh: NASA/Globoscope.ru)
Đáng chú ý, theo Đài tiếng nói nước Nga, Fengyun 1C bị phá hủy ở độ cao 850km hồi năm 2007 trong một cuộc thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh do Trung Quốc thực hiện. Khi đó, cuộc thử nghiệm được thực hiện từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, khiến Mỹ và một số nước khác phản đối mạnh mẽ. Mới đây, trang tin The Washington Free Beacon dẫn lời giới chức Mỹ cho rằng Trung Quốc ngày 13/5 lại thử nghiệm thêm một tên lửa diệt vệ tinh mới, cũng từ Tây Xương. Phía Trung Quốc thông báo tên lửa trên nhằm “đưa một thiết bị nghiên cứu từ trường khí quyển của trái đất vào quỹ đạo”. Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Monica Matoush tuyên bố: “Theo sự quan sát của chúng tôi, không có vệ tinh hay vật thể nào tách khỏi tên lửa để đi vào quỹ đạo”. Giới chức và chuyên gia Mỹ xác định đây là tên lửa Dong Ning-2 và Trung Quốc đang nỗ lực để nó có khả năng vươn đến độ cao 19.000 - 35.000km bên trên bề mặt trái đất. Khi đó, về lý thuyết, tên lửa Trung Quốc có thể đe dọa các vệ tinh thuộc hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ.
Space.com dẫn lời các chuyên gia ước tính hiện có 5.500 tấn rác với 370.000 mảnh ngập tràn không gian xung quanh trái đất, bao gồm tên lửa không còn sử dụng, vệ tinh chết và các mảnh vỡ phát sinh từ các vụ thử nghiệm vũ khí. Chúng có thể dẫn đến nguy cơ va chạm dây chuyền, đe dọa sinh mạng phi hành gia trên tàu không gian hoặc tại Trạm không gian quốc tế cũng như ảnh hưởng đến triển vọng của ngành du lịch không gian.
Nhằm tránh tạo ra thêm rác vũ trụ và ngăn ngừa chạy đua vũ trang trên không gian, nên đến nay, Mỹ và Nga đều đã từ bỏ các vụ thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh, theo Space.com. Tuy nhiên, tình hình có vẻ đang thay đổi sau các động thái của Trung Quốc. Hồi tháng 1, Hoàn Cầu thời báo đăng xã luận cho rằng Bắc Kinh cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu vũ khí tiêu diệt vệ tinh. Ngay sau đó, tờ The Indian Express nhận định Ấn Độ cũng cần tăng cường sức mạnh trong lĩnh vực này nếu không muốn bị đe dọa trong tương lai.
Về phần mình, sau cuộc phóng mới nhất của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ nhanh chóng tuyên bố sẽ có một chương trình chế tạo vũ khí nhằm bảo vệ các vệ tinh viễn thông và tình báo của nước này, theo Reuters. Lầu Năm Góc không tiết lộ chi tiết mà chỉ cho biết việc đầu tư vào công nghệ nhằm bảo đảm an toàn cho các vệ tinh nằm trong ngân sách quốc phòng năm 2014.
Nga thì đang nghiên cứu hệ thống “dọn vệ sinh” có khả năng tháo dỡ những mảnh vỡ cỡ lớn khỏi các khu vực trọng yếu trong quỹ đạo gần trái đất cũng như cảnh báo tự động về những tình huống nghiêm trọng, theo RIA-Novosti. Gần đây, Tập đoàn Boeing cũng đã đề xuất ý tưởng loại bỏ vệ tinh chết và các mảnh vỡ khác bay quanh quỹ đạo trái đất bằng cách dùng một luồng khí đẩy chúng trở lại khí quyển.