Bệnh đậu mùa khỉ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Dấu hiệu cảnh báo người mắc bệnh đậu mùa khỉ
  •  
  • 819

Bệnh đậu mùa khỉ là dạng bệnh hiếm gặp, gây ra bởi virus đậu khỉ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) họp khẩn để thảo luận về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ gần đây, trong bối cảnh châu Âu có thể đã ghi nhận hơn 100 ca nhiễm.

Bệnh đậu mùa khỉ có nguồn gốc từ đâu?

Virus đậu khỉ, tương tự như đậu mùa, thuộc chi Orthopoxvirus. Virus này có cấu trúc và tính chất gây bệnh tương tự như thủy đậu nhưng bệnh canh thường nhẹ hơn. Dù có tên là bệnh đậu mùa khỉ nhưng không phải do virus của khỉ. Hiện nay, vật chủ lây virus này chưa được xác định rõ, nhưng các sinh vật nghĩ tới hàng đầu là loài gặm nhấm và sóc nhỏ trong rừng nhiệt đới sống ở châu Phi, chủ yếu ở phía tây và trung tâm châu Phi. Các trường hợp mắc bệnh đậu mùa trên khỉ ở châu Phi ngày càng gia tăng do con người ngày càng xâm phạm môi trường sống của các loài động vật mang virus. Bệnh đậu mùa khỉ ở người xảy ra đầu tiên ở Châu Phi, xảy ra rải rác ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Nhưng từ năm 2016, các trường hợp bệnh cũng được xác nhận và báo cáo tại Sierra Leone, Liberia, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo và Nigeria.

Bênh đậu mùa khỉ có liên quan đến bệnh đậu mùa?

Gần đây, ở châu Phi có sự gia tăng tỷ lệ người mắc mới gấp 20 lần so vói trước đây. Một số ý kiến cho rằng có thể do việc ngừng tiêm chủng bệnh đậu mùa vào năm 1980. Trong khi những người đã được tiêm vắc xin đậu mùa, thậm chí tiêm cách đây 25 năm đều ít nguy cơ mắc bệnh đậu khỉ.

Những nước nào đã có người mắc bệnh đậu khỉ?

Ngoài châu Phi thì Mỹ đã xuất hiện một vụ dịch bùng phát đã xảy ra vào năm 2003. Khi các loài gặm nhấm được đưa tới từ châu Phi như một loại thú cưng đã lây lan sang chó chăn cừu, sau đó đã lây nhiễm sang người. Vụ dịch bùng phát ở 6 tiểu bang, trong đó có 35 trường hợp được xác nhận, 13 trường hợp có thể, và 22 trường hợp nghi ngờ và may mắn không có tử vong. Ở châu Phi, tỷ lệ tử vong dao động từ 4% đến 22%.

Virus bệnh đậu khỉ xâm nhập tế bào.
Virus bệnh đậu khỉ xâm nhập tế bào. (Ảnh: Reuters).

Bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào?

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật qua dịch cơ thể, bao gồm các giọt nước bọt hoặc đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết vết thương. Bệnh đậu mùa khỉ có lây truyền từ người sang người không? Sự lây truyền từ người sang người xảy ra không hiệu quả và được cho là xảy ra chủ yếu qua các giọt đường hô hấp lớn khi tiếp xúc mặt đối mặt kéo dài. Ở những người sống chung với người mắc bệnh đậu khỉ thì khả năng lây bệnh 50%. Hầu hết bệnh nhân là trẻ em.

Ai dễ bị đậu mùa khỉ?

TS Susan Hopkins (Cố vấn Y tế của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh) cho biết: “Các bằng chứng cho thấy có thể virus đậu mùa khỉ đang lây lan trong cộng đồng qua những tiếp xúc gần gũi. Chúng tôi đặc biệt kêu gọi những người đồng tính nam, lưỡng tính lưu ý về bất kỳ vết phát ban hoặc tổn thương bất thường nào và liên hệ ngay với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục".

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Theo trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), ở người, triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ tương tự nhưng nhẹ hơn khi mắc bệnh đậu mùa.

Các triệu chứng khi mắc đậu mùa khỉ.
Các triệu chứng khi mắc đậu mùa khỉ.

Người bệnh sẽ khởi phát với tình trạng sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, kiệt sức, ớn lạnh. Đặc biệt, triệu chứng đặc hiệu để phân biệt hai loại bệnh đậu mùa là vết sưng ở hạch bạch huyết. Người mắc đậu mùa khỉ sẽ bị nổi hạch, trong khi bệnh nhân bị đậu mùa thì không.

Thời gian ủ bệnh (từ khi nhiễm virus đến khi có triệu chứng) là 7-14 ngày, đôi khi kéo dài 5-21 ngày. Các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.

Trong vòng 1-3 ngày (có thể lâu hơn) sau khi bị sốt, bệnh nhân sẽ xuất hiện phát ban khó chịu. Các vết phát ban thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể.

Các tổn thương trên cơ thể người bệnh sẽ trải qua quá trình từ rát (tổn thương phẳng) đến sẩn (tổn thương nổi), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch) sau đó là mụn mủ. Cuối cùng, các vết tổn thương đóng vảy trước khi rụng hết và khỏi bệnh, để lại sẹo.

Bệnh thường kéo dài trong 2-4 tuần. Ở châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ đã được chứng minh là có thể gây tử vong cho 1/10 người mắc.

Điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Điều trị bệnh đậu mùa khỉ là hỗ trợ. Các loại thuốc hữu ích tiềm năng bao gồm: Thuốc kháng virus mới tecovirimat (gần đây đã được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa) Thuốc kháng virus cidofovir Các thuốc nghiên cứu brincidofovir (CMX001) Tất cả các loại thuốc này đều có hoạt tính chống lại virus đậu khỉ trên in vitro và trong các mô hình thử nghiệm. Tuy nhiên, không có loại thuốc nào đã được nghiên cứu hoặc sử dụng trong các vùng dịch lưu hành để điều trị bệnh đậu khỉ.

Biện pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ

Những biện pháp phòng ngừa đậu mùa khỉ.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Cập nhật: 16/08/2024 Zing/skđs
  • 819