Đâu là giới hạn chịu đựng của con người?

  •  
  • 4.663

Khi lặn trong nước 18 độ C, cơ thể mất nhiệt qua da nhanh gấp 25 lần trong không khí. Mạch máu bề mặt bị co rút để tập trung cho các cơ quan bên trong và duy trì 37 độ C cho những bộ phận then chốt. Nếu cần, sẽ hy sinh tuần hoàn máu ở tứ chi để tập trung vào thân mình và bộ não.

(Ảnh: universal-mind)Cùng lúc đó, cơ thể tiết ra noradrenaline, kích thích hoạt động của tế bào, nhằm tạo ra nhiều nhiệt hơn nữa.

Khi thân nhiệt xuống còn 35 độ C, cơ thể "run rẩy" và cơ bắp bắt đầu co rút càng lúc càng dữ dội để tạo ra tối đa nhiệt. Vấn đề là nhiệt này được tạo ra ở tứ chi sẽ bị môi trường chung quanh phân tán ngay tức khắc. Hơn nữa, nỗ lực này làm tiêu hao nhanh chóng nguồn năng lực cuối cùng của cơ thể.

Từ 32 độ C, bắt đầu mê sảng: Sau giai đoạn run rẩy, cơ thể không còn dung dịch kháng lạnh nữa. Nhiệt độ hạ xuống cực nhanh. Tất cả tế bào làm việc chậm lại. Một trong các cơ quan bị tấn công đầu tiên là não. Con người không còn suy nghĩ, nói và có những quyết định hợp lý.

Dưới 30 độ C, hôn mê: Nhịp đập của tim và hơi thở càng lúc càng chậm hơn. Ở 20 độ C, chắc chắn tim ngừng đập hoàn toàn. Nếu không hành động tức khắc, người ta sẽ chết. Nếu được hồi sức và sưởi ấm đúng cách, có thể cứu được. Chẳng hạn, một cô gái Nauy, 29 tuổi, sống lại được sau khi cơ thể hạ nhiệt xuống đến 13,7 độ C trong suốt một giờ.

Nhịn khát đến bao lâu

Bình thường, chúng ta mất mỗi ngày 3-7 lít nước. Khi nước uống không còn nữa, cơ thể chỉ còn một giải pháp là giới hạn mất nước: đóng một chút "cửa xả" của quả thận. Cơ phận này là trạm tinh lọc cơ thể. Bình thường nó lọc máu, loại ra độc chất, muối thừa và dồn tất cả vào nước tiểu. Nó cần tiêu thụ 1-2 lít nước cho nhiệm vụ này. Trong lúc túng thiếu, nó có thể tự giới hạn mình, chỉ dùng chừng 0,5 lít để thải chất độc.

Sau 100 giờ không uống nước, cái chết đã cận kề: bởi vì nước, vốn chiếm 70% khối lượng cơ thể, là chất sống còn, đặc biệt vì nó duy trì máu ở trạng thái lỏng. Trong giai đoạn này, nước trong máu bị mất đến 20%, cho nên máu đặc hơn, khó di chuyển, tạo nguy cơ tắc nghẽn mạch. Nó cũng rất khó vận chuyển ôxy và chất bổ dưỡng đến các tế bào, khiến chúng phải chết dần. Nguy hiểm hơn là độc chất tích luỹ trong máu. Quả vậy, để duy trì lượng máu tối thiểu, số lượng đi qua thận để lọc không còn bao nhiêu. Cho nên độc chất tích tụ dần trong máu. Đặc biệt kali với nồng độ đậm đặc trong máu sẽ làm tim ngừng đập.

Có thể nhịn đói bao lâu

Trung bình, một người có cấu trúc thông thường có thể nhịn ăn đến 70 ngày mới chết, nếu có đủ nước uống. Đó là vì cơ thể có những kho dự trữ thức ăn ở dạng đường và mỡ, có thể đem ra "chiến đấu" nếu bị đói kéo dài. Chúng được tích trữ trong gan, cơ bắp và tế bào mỡ. Khi ngưng ăn, cơ thể huy động mọi biện pháp để duy trì tỷ lệ đường trong máu. Đó là nguồn năng lực chủ yếu, nhất là cho não.

Đầu tiên, cơ thể vơ vét đường trong gan, vốn được huy động dễ dàng, cho phép duy trì khoảng 4 tiếng. Sau đó, nó sẽ động viên kho dự trữ đường trong cơ bắp, rồi đến mỡ gan và tế bào mỡ. Chuyển hệ sang đường, cơ thể có thể tồn tại được vài tuần.

Khi mỡ đã cạn kiệt, cơ thể gặm nhấm protein của tế bào. Thoạt đầu là tế bào cơ bắp, rồi đến nội tạng. Mục tiêu là duy trì tối đa các bộ phận tối quan trọng. Khi một phần lớn protein của cơ thể bị hút đi, tim không còn hoạt động nữa, cơ thể sẽ chết.

Theo Thế Giới Mới, Vnexpress
  • 4.663