Khỉ đuôi dài Nicobar là một trong những loài động vật có khả năng thích nghi cao nhất thế giới.
Hòn đảo Nicobar Lớn ngoài khơi Ấn Độ là nơi sinh sống của loài khỉ đuôi dài Nicobar (tên khoa học: Macaca fascicularis umbrosus). Chúng khiến giới khoa học tò mò vì đã học được cách sử dụng một số công cụ và kỹ thuật để "chế biến món ăn" và thậm chí, loài khỉ này còn biết xỉa răng sau khi ăn.
Để hiểu rõ hơn về tập tính cũng như hành vi của khỉ Nicobar, nhà động vật học Honnavalli Kumara tại Trung tâm Khoa học và Tế bào Sálim Ali ở Coimbatore, Ấn Độ đã tới một ngôi làng ven biển trên đảo Nicobar Lớn để theo dõi quần thể khỉ đuôi dài Nicobar.
Khỉ đuôi dài Nicobar.
Thức ăn yêu thích của khỉ Nicobar chủ yếu là các loại hạt có gai hoặc vỏ cứng. Để tách vỏ, đầu tiên chúng đem hạt đi rửa rồi lau sạch bằng lá cây. Thậm chí, chúng còn biết cuốn lá vào một số loại thức ăn để dễ cầm nắm. Nếu không kiếm được lá cây, khỉ Nicobar sẽ dùng giấy báo, vải hoặc túi nhựa để bọc thức ăn.
Loài khỉ này cũng rất thích ăn dừa, chúng hái quả dừa bằng cách vặn xoắn hoặc dùng răng để cắn đứt cuống. Nếu quả dừa vẫn còn non, khỉ Nicobar sẽ cố định quả dừa bằng tay và chân, dùng răng để xé vỏ rồi uống thứ nước ngọt ngào bên trong.
Nếu gặp phải quả dừa khô, chúng sẽ tìm một mặt phẳng cứng, chắc như tảng đá hoặc bê tông, nện quả dừa xuống đất rồi tách vỏ.
Không chỉ biết lợi dụng các công cụ thô sơ, các nhà khoa học đã chứng kiến khỉ Nicobar kiếm ăn bằng cách rung bụi cây để côn trùng rụng xuống.
Sau khi ăn, lũ khỉ Nicobar từ choai choai cho đến trưởng thành có thói quen vệ sinh răng miệng bằng "chỉ nha khoa", thực chất là các loại sợi mảnh và chắc chắn.
Từ vỏ cây, lông vũ, cỏ, xơ dừa, túi nylon cho đến dây thép... Đều được loài khỉ này dùng làm chỉ nha khoa. Thậm chí, có con còn biết xé nhỏ các loại sợi sao cho vừa vặn với kẽ răng.
9 trong số 20 con khỉ Nicobar thường xuyên xỉa răng. Khỉ đuôi dài Nicobar là loài khỉ thứ 3 biết vệ sinh răng miệng: Khỉ Nicobar ở Nhật dùng chính lông của chúng, khỉ Nicobar Thái Lan thậm chí còn dùng cả tóc người.
Khỉ Nicobar có khả năng thích nghi rất tốt với cảnh quan của con người.
Dorothy Fragaszy, nhà nghiên cứu linh trưởng thuộc Đại học Georgia, Athens, cho biết: "Khả năng rửa và gói đồ ăn, dùng sợi để vệ sinh răng miệng ở các quần thể khỉ Nicobar đã được ghi nhận".
"Biết rung bụi cây để bắt côn trùng là yếu tố mới nhất được phát hiện", ông cho biết thêm.
Khỉ Nicobar có khả năng thích nghi rất tốt với cảnh quan của con người, nơi chúng thỏa thích vận dụng các vật thể mới lạ. Việc sử dụng công cụ không đòi hỏi quá nhiều chất xám. Tuy nhiên, việc tùy biến công cụ cho thấy sự thông minh và khéo léo của loài khỉ này.