Dãy núi nổi trên dung nham

  •  
  • 1.220

Dãy Atlas tại châu Phi nổi trên một lớp đá nóng chảy đã "thách thức" mô hình tiêu chuẩn lâu nay về cấu trúc của núi, vốn cho rằng các quả núi cần nền móng vững chắc.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Nam California (Mỹ) cho hay núi Atlas nổi trên một lớp dung nham nóng đang chảy bên dưới thạch quyển của khu vực này, và nguồn của dòng chảy có thể xuất phát từ núi lửa trên đảo Canary nằm ở ngoài khơi miền tây bắc châu Phi.

Dãy núi nổi trên dung nham
Dãy núi Atlas "thách thức" mọi mô hình truyền thống về cấu trúc núi - (Ảnh: macsadventure.com)

“Phát hiện của chúng tôi đã xác nhận một điều rằng cấu trúc núi và sự hình thành của chúng hết sức phức tạp, khác xa những hiểu biết lâu nay”, theo trưởng nhóm nghiên cứu giáo sư Meghan Miller.

Các mô hình được chấp nhận hiện nay về thạch quyển cho rằng độ cao của vỏ Trái đất phải được hỗ trợ tương xứng với độ sâu của nó, cũng giống như một tảng băng trôi không chỉ nổi lên mặt nước mà còn giấu mình trong lòng biển.

“Dãy Atlas hiện không cân bằng, nhiều khả năng do ảnh hưởng từ tình trạng dị thường của thạch quyển và lực tác động của lớp manti bên dưới”, theo R&D Magazine dẫn lời đồng tác giả Thorsten Becker.

Miller và Becker sử dụng các thiết bị đo địa chấn để xác định những xung động bề mặt nhằm “thấy được” phần gốc của dãy núi trên.

Lớp vỏ bên dưới Atlas đạt đến độ sâu khoảng 40km, nông hơn 14,4km so với ước tính của các mô hình tiêu chuẩn lâu nay về cấu trúc của núi.

Theo Thanh Niên
  • 1.220