Đến năm 2009, Việt Nam sẽ thiếu 1.900 chuyên gia mạng

  •  
  • 35

Theo một nghiên cứu của công ty IDC, sẽ có một sự thiếu hụt 396.000 chuyên gia mạng lành nghề trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương vào năm 2009, so với con số 210.000 của năm 2006. Đặc biệt, tại Việt Nam, con số hiện nay đang thiếu là khoảng 800 chuyên gia mạng lành nghề, sẽ tăng lên 1.900 vào năm 2009.

Nghiên cứu này được tiến hành với hơn 1.000 thành viên thuộc các vị trí quản lý cao cấp và trung cấp tại 12 quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Theo nghiên cứu này, tới năm 2009 sẽ có một sự thiếu hụt 221.000 chuyên gia với các kỹ năng công nghệ mạng tiên tiến về công nghệ không dây, bảo mật, và thoại IP tại châu Á Thái Bình Dương, so với con số 113.000 của năm 2006.

Ngoài con số đó, nghiên cứu này còn cho thấy các dữ liệu như tỷ lệ khoảng cách kỹ năng tương ứng với nhu cầu tại nhiều lĩnh vực khác nhau trong công nghệ mạng.

Bản nghiên cứu cho thấy, tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, khoảng cách kỹ năng về công nghệ mạng tiên tiến trong năm 2006 là 21% so với 16% đối với các kỹ năng mạng nói chung. Nhu cầu cao hơn đối với công nghệ mạng tiên tiến dự kiến sẽ tiếp tục tăng tới năm 2009 với khoảng cách kỹ năng là 26% so với 21% của các công nghệ mạng nói chung.

Tại Việt Nam, tới năm 2009, khoảng cách kỹ năng được thông báo trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như công nghệ mạng không dây là 32% và thoại IP là 23%. Bảo mật mạng cũng là một lĩnh vực chủ đạo với một khoảng cách kỹ năng có thể sẽ đạt 18%.

Ông James Chia, Tổng Giám đốc, Cisco Systems Việt Nam, cho biết: “Việc ứng dụng nhanh các công nghệ mạng tại các doanh nghiệp trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ thúc đẩy mạnh nhu cầu về những kỹ năng này và thậm chí một nhu cầu cao hơn đối với các kỹ năng tiên tiến trong công nghệ không dây, bảo mật và thoại IP”.

Để có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực của những khoảng cách kỹ năng này đối với nền kinh tế trong nước cũng như nền kinh tế khu vực nói chung, các chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục cần phối hợp chặt chẽ hơn với nhau để đưa ra những hành động ngay lúc này nhằm tạo ra những chương trình phát triển kỹ năng phù hợp.” - Ông James Chia cho biết thêm.

Tuy vậy, tình trạng ngày càng khan hiếm nhân lực mạng đã mở ra những cơ hội mới cho ngành đào tạo nhân lực CNTT tại các quốc gia châu Á Thái Bình Dương nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Cụ thể, các tổ chức giáo dục và đào tạo có cơ hội tạo ra các chương trình đào tạo phù hợp giúp thu hẹp khoảng cách này tại quốc gia của mình. Các sinh viên và chuyên gia cũng được khuyến cáo nên tận dụng những lựa chọn nghề nghiệp sẵn có trong lĩnh vực mạng công nghệ tiên tiến.

Theo VTV
  • 35