Tàu Cassini đã biến mất giữa khí quyển sao Thổ nhưng vẫn để lại nhiều di sản khoa học quý giá cùng nguồn cảm hứng lớn.
Cassini - tàu vũ trụ đầu tiên thực hiện sứ mệnh khám phá sao Thổ đã lao xuống khí quyển của hành tinh này tự sát, để lại nhiều dữ liệu khoa học vô giá và nguồn cảm hứng lớn cho tất cả mọi người, theo Space.
Ngày 15/9, sau gần 20 năm ngoài vũ trụ, tàu Cassini bốc cháy và tan rã giữa khí quyển sao Thổ mà không để lại bất cứ dấu vết nào. Con tàu chỉ lặng lẽ biến mất. "Cassini đã thực hiện những điều thật phi thường nhưng không nhiều người biết đến", Jim Green, nhà khoa học thiên thể tại NASA chia sẻ.
Tàu Cassini lao qua khí quyển sao Thổ và bốc cháy hôm 15/9. (Ảnh: AWN).
Cassini sẽ ghi dấu trong lịch sử là tàu vũ trụ đầu tiên hoạt động trên quỹ đạo sao Thổ. Trong 294 lần bay vòng quanh sao Thổ, con tàu đã chụp hơn 450.000 bức ảnh và gửi về 635 gibabyte dữ liệu khoa học, thực hiện hơn 160 chuyến bay quanh các mặt trăng của hành tinh này. Sứ mệnh tàu Cassini từng được gia hạn hai lần.
Những gì con tàu phát hiện đã thay đổi hiểu biết của giới khoa học về sao Thổ, các vành đai và mặt trăng của hành tinh này. Tàu Cassini gửi về ảnh chụp những giếng phun lớn trên mặt trăng Enceladus, hồ hydrocarbon trên mặt trăng Titan và sự thay đổi mùa trên sao Thổ. Con tàu cũng cho thấy sự phức tạp của các vành đai nổi tiếng và ghi lại hình ảnh cơn bão lớn trên sao Thổ.
Bão lớn trên sao Thổ do tàu Cassini chụp lại. (Ảnh: NASA).
"Di sản thực sự của Cassini là cách NASA tiếp nhận những dữ liệu con tàu gửi về rồi quyết định xem làm sao để tận dụng chúng trong các nhiệm vụ tương lai. Tôi khá chắc là sau Cassini sẽ còn nhiều nhiệm vụ khác nữa", Green khẳng định.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu Cassini gửi về nhiều thập kỷ tới. Trong khi đó, các kỹ sư sẽ nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến vào việc chế tạo những tàu thăm dò mới.
Dù Cassini đã hoàn toàn biến mất nhưng có một mô hình tương đương kích thước tàu thật vẫn đang được trưng bày. Mô hình do Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thiết kế và đặt tại Trung tâm Khoa học California, Los Angeles trước cả khi con tàu đến sao Thổ. JPL cũng trưng bày một mô hình có kích thước bằng nửa tàu thật ở hội trường chính tại Pasadena, California.
Năm 2004, hai chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Carl's Jr. và Hardee's cung cấp suất ăn "NASA Kids" cho trẻ em kèm theo các đồ chơi mô phỏng tàu Cassini và sao Thổ. Con tàu cũng xuất hiện trong một vài cuốn sách, chẳng hạn như sổ tay "Owners' Workshop Manual" của tác giả Ralph Lorenz, một thành viên trong nhóm dự án Cassini.
Bộ tem "Khoa học vũ trụ" của Royal Mail. (Ảnh: Collect Space).
Dịch vụ bưu điện Royal Mail, Anh từng tung ra bộ tem "Khoa học vũ trụ" với hình ảnh từ các nhiệm vụ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) năm 2012. Sứ mệnh Cassini-Huygens do NASA, ESA và Cơ quan Vũ trụ Italy (ASI) hợp tác thực hiện cũng đóng góp một số hình ảnh trong bộ tem này. Một số quốc gia khác cũng từng in tem kỷ niệm về tàu Cassini, trong đó có Maldives, Guinea và Togo.
"Về ảnh hưởng văn hóa của Cassini, tôi nghĩ con tàu tác động đến nghệ thuật nhiều hơn. Tôi từng thấy nhiều họa sĩ dùng những hình ảnh từ sao Thổ, nhất là các vành đai, làm họa tiết, hình nền hoặc yếu tố thiết kế trong tác phẩm của mình", Emily Lakdawalla, biên tập viên tại tổ chức The Planetary Society cho biết.
"Tôi cũng thấy nhiều sáng tác âm nhạc liên quan đến sao Thổ, các vành đai và mặt trăng của nó. Sẽ rất thú vị nếu tiến hành một cuộc khảo sát về những ảnh hưởng của Cassini đến nghệ thuật", bà nói thêm.
Để kỷ niệm khoảnh khắc sứ mệnh tàu Cassini kết thúc, tổ chức The Planetary Society phát hành một video, trong đó diễn viên loạt phim nổi tiếng "Star Trek", Robert Picardo, trình bày bài hát "Le Cassini Opera" như một lời tạm biệt hóm hỉnh dành cho con tàu.
Bài hát tạm biệt dành cho tàu Cassini, "Le Cassini Opera". (Video: The Planetary Society).
Món quà quý giá nhất mà tàu Cassini để lại cho Trái Đất là những hình ảnh con tàu ghi lại trong gần hai thập kỷ ngoài vũ trụ. Không giống như hai người tiền nhiệm, tàu Pioneer và Voyager chỉ bay qua sao Thổ, Cassini đã lưu lại đến 13 năm và gửi về những hình ảnh chi tiết, hé lộ thế giới tự nhiên đa dạng trên hành tinh này.
"Với người yêu thiên văn, Cassini là một sứ mệnh phi thường với những hình ảnh gửi về đều đặn và khiến bạn phải thốt lên kinh ngạc", Lakdawalla nhận xét. Đôi khi, những hình ảnh Cassini ghi lại không chỉ khiến giới khoa học hay người yêu thiên văn kinh ngạc mà còn gây ấn tượng mạnh cho toàn thế giới.
Hình ảnh Trái Đất nhỏ bé do tàu Cassini chụp từ sao Thổ. (Ảnh: NASA).
Trong suốt thời gian Cassini thực hiện sứ mệnh, có hai lần nhật thực xảy ra do sao Thổ che khuất mặt trời, theo Todd Barber, kỹ sư trong nhóm dự án tàu Cassini. Lần nhật thực thứ hai diễn ra ngày 19/7/2013. Hưởng ứng chiến dịch "Vẫy chào sao Thổ" từ NASA, người dân khắp thế giới đã chia sẻ hơn 1.400 bức ảnh họ vẫy tay với sao Thổ trong thời khắc lịch sử.
Cũng trong ngày hôm đó, tàu Cassini quay máy ảnh hướng về Trái Đất, chụp lại bức ảnh huyền thoại "Ngày Trái Đất mỉm cười", đánh dấu lần đầu tiên con người biết trước sẽ nhận được ảnh chụp Trái Đất từ ngoài không gian.
"Chúng ta có thể ngắm nhìn sao Thổ từ nhiều góc khác nhau. Tàu Cassini đã thay đổi những hiểu biết của mọi người về sao Thổ, cho thấy một hành tinh có thể biến đổi và phát triển như thế nào", Lakdawall kết luận.