Tàu thám hiểm Huygens là "người bạn đồng hành" suốt 8 năm với tàu vũ trụ Cassini trước khi cả hai chia tay nhau để thực hiện sứ mệnh riêng.
Tàu vũ trụ Cassini mới đây chính thức khép lại hành trình tròn 20 năm khám phá vũ trụ bằng việc đâm xuống bầu khí quyển của sao Thổ và bốc cháy. Tuy nhiên, bằng chứng sống về hành trình vĩ đại của nó vẫn được lưu lại trên mặt trăng Titan, mặt trăng lớn nhất của sao Thổ, theo Science Alert.
Tàu thám hiểm Huygens đáp xuống mặt trăng Titan vào ngày 14/1/2015. (Ảnh: Science Alert).
Ngày 15 tháng 9 năm 1997, tàu vũ trụ thăm dò Cassini của NASA và tàu thám hiểm Huygens của Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA) đã cùng nhau rời khỏi Trái Đất với nhiệm vụ nghiên cứu sao Thổ và các vệ tinh tự nhiên của hành tinh này.
Cả hai con tàu được ghép nối với nhau trong một phi vụ tàu không gian mang tên Cassini-Huygens, hợp tác bởi NASA và ESA. Sau 8 năm kể từ ngày được phóng khỏi Trái Đất, con tàu đã đến được quỹ đạo xung quanh sao thổ vào ngày 1/7/2004. Tuy nhiên, vào đêm Giáng sinh năm đó, tàu thám hiểm Huygens đã tách khỏi tàu mẹ, chính thức "chia tay" tàu vũ trụ Cassini sau hành trình dài hơn 1.500km.
Tàu Huygens với nhiệm vụ khám phá mặt trăng Titan đã tách khỏi tàu Cassini và đáp xuống bề mặt của mặt trăng lớn nhất sao Thổ này vào ngày 14/1/2005. Trong khi đó, tàu vũ trụ Cassini tiếp tục hành trình của mình với quỹ đạo vòng quanh sao Thổ để nghiên cứu về hành tinh này.
Dù thực hiện hai nhiệm vụ khác nhau, tàu thám hiểm Huygens vẫn luôn "liên lạc" với tàu vũ trụ Cassini trong suốt thời gian qua. Tín hiệu của Huggen không đủ mạnh để tự mình gửi thông tin về Trái Đất. Nó cần tương tác với tàu Cassini mới có thể làm được điều này.
Tàu thám hiểm Huygens tách khỏi tàu mẹ vào ngày 25/12/2004. (Ảnh: ESA).
Với việc Cassini lao xuống bầu khí quyển sao Thổ và kết thúc hành trình của mình, tàu thám hiểm Huygens cũng không thể tiếp tục hoạt động và gửi thông tin về Trái Đất. Tuy nhiên, với thiết kế đặc biệt có khả năng chống lại sự ăn mòn của bầu khí quyển trên Titan, tàu thám hiểm Huygens sẽ còn tồn tại trên mặt trăng này hàng triệu năm nữa, như một bằng chứng sống cho hành trình vĩ đại của tàu Cassini-Huygens.
"Nó sẽ còn ở đó trong một thời gian dài, có thể là hàng triệu năm nữa", nhà khoa học Erich Karkoschka của đại học Ariozone, một thành viên trong dự án tàu không gian Cassini-Huygens chia sẻ.
Kết thúc sứ mệnh của mình, tàu vũ trụ Cassini đã gửi về những dữ liệu vô cùng quý giá trong hành trình 13 năm bay quanh sao Thổ. Trong khi đó, tàu thăm dò Huygens giúp các nhà khoa học lần đầu tiên giải mã được nhiều bí ẩn trên mặt trăng Titan. Tàu Cassini-Huygens đến lúc này là một trong những phi vụ tàu không gian thành công nhất trong lịch sử.