Địa hình làm tăng độ tàn phá của trận cuồng phong Nargis

  •  
  • 699

Ngoài nguyên nhân cường độ mạnh, địa hình khu vực còn làm cho bão Nargis có sức tàn phá lớn hơn, quan chức ở Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (DBKTTV) của Việt Nam cho biết.

“Vùng ven biển các nước nằm ven Vịnh Bengal thường rất trũng nên khi bão ập vào gây sóng biển cao tới chục mét (cao như sóng thần do động đất rất mạnh gây ra) phá huỷ và cuốn trôi tất cả thành phố, làng mạc ven biển, ven sông”, TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKTTV, nói.

Thông tin mới nhất từ Myanmar cho thấy, ảnh hưởng của bão nhiệt đới Nargis đổ bộ vào nước này cuối tuần trước làm 22.500 người thiệt mạng, trong khi 41.000 người vẫn mất tích.

Số nạn nhân có thể cao hơn vì còn tới ba khu vực khác của Myanmar chưa thống kê được thương vong. Theo nguồn tin ngoại giao Hoa Kỳ, số thương vong do bão Nargis có thể lên tới 100.000 người.

Bức ảnh bão Nargis này được chụp bởi vệ tinh của Trung tâm Đo mưa Nhiệt đới (TRMM) hôm 29/4/2008, lúc 12h00, giờ địa phương


Nếu như vậy, bão Nargis sẽ được liệt vào danh sách 10 cơn bão gây chết người nhiều nhất từ trước đến nay. Điều đáng chú ý, 8 trong số 10 cơn bão gây thương vong nhiều nhất đều xảy ra ở vịnh Bengal (nguyên nhân chính do địa hình) với danh sách như sau:

1.Bão Backerganj-Bangladesh năm 1584: 200.000 người chết.

2.Bão Hooghly River – Bangladesh và Ấn Độ năm 1737: 350.000 người chết.

3. Bão Coringa - Ấn Độ năm 1839: 300.000 người chết.

4. Bão Great Bombay- Ấn Độ năm 1882: 100.000 người chết.

5. Bão Great Backerganj-Bangladesh năm 1876: 200.000 người chết.

6.Bão Chittagong -Bangladesh năm 1897: 175.000 người chết.

7. Bão Bhola - Bangladesh năm 1970: 150.000 đến 500.000 người chết.

8. Bão 2B -.Bangladesh năm 1991: 140.000 người chết.

Ngay từ khi bão Nargis còn là áp thấp nhiệt đới, cơ quan khí tượng Anh đã cảnh báo nó có thể trở thành siêu bão. Và cơ quan khí tượng Ấn Độ cũng cho biết họ có gửi thông tin cảnh báo cho đồng nghiệp ở Myanmar nhưng dường như những thông tin này đã không được lưu ý.

Tất cả vùng ven biển Việt Nam đều nguy cơ cao nếu có siêu bão.

Từ trường hợp tàn phá của bão Nargis có sự đóng góp của điều kiện địa hình, câu hỏi đặt ra là ở Việt Nam thì sao. Người đứng đầu Trung tâm DBKTTV cho rằng tất cả các địa hình ven biển Việt Nam đều có nguy cơ cao làm gia tăng thiệt hại một khi bão lớn, nhất là siêu bão kiểu như Nargis, đổ bộ.

“Hai đồng bằng Sông Hồng và Cửu Long được xác định có nguy cơ cao nhất bị đe dọa bởi nước biển dâng và điều đó có nghĩa là ở mức trũng nhất so với nhiều đồng bằng ven biển khác trên thế giới”,
TS Bùi Minh Tăng nói tiếp.

“Các vùng ven biển khác tuy không trũng nhưng lại hẹp và có độ dốc lớn. Những điều kiện địa hình ấy, một khi sóng biển dâng cao và mưa to do gió bão lớn sẽ làm gia tăng ghê gớm mức độ thiệt hại”.

Nguồn sử liệu chưa được kiểm chứng cho thấy, hai trong số 10 cơn bão gây thiệt hại nhân mạng nặng nề nhất trong lịch sử thành văn thế giới rơi vào Trung Quốc và Việt Nam, mỗi nước một cơn.

Tại Việt Nam, cơn bão được liệt vào danh sách tử thần kia được xác định có cấp gió chưa thuộc diện siêu bão như mấy năm gần đây. Cấp gió của nó chỉ cỡ 13-14 và nó đổ bộ vào miền Bắc hồi năm 1881. Cơn bão đó, được biết, làm chết 300.000 người ở Hải Phòng.

Số liệu này khi chúng tôi hỏi Trung tâm DBKTTV thì được trả lời rằng không xác định được nhưng họ cũng không phủ nhận.

“Chúng tôi không có hồ sơ trong tay để khẳng định con số thiệt hại vào thời điểm đó nhưng có điều chắc chắn thiệt hại nhân mạng là không nhỏ với những vùng đồng bằng trũng như ở nước ta một khi không có sự đề phòng”, TS Bùi Minh Tăng nói. “Một trong những yếu tố quan trọng nhất, từ bài học bão Nargis, chính là dự báo và phản ứng sớm”.

Trung tâm DBKTTV gần đây đã tăng cường dự báo bão sớm từ 24 giờ lên 48 giờ. Đặc biệt, Trung tâm có mạng lưới liên lạc chặt chẽ và thường xuyên với các trung tâm báo bão thế giới để có được thông tin thiên tai mới nhất và gần thực tế nhất.

Q.D (Tiền Phong Online)
  • 699