Điện Kremlin

  •  
  • 3.966
  • Thời điểm xây dựng: 1475 trở đi
  • Địa điểm: Moscow, Nga

Một vài hình dáng kiến trúc nổi tiếng vang dội nhiều hơn cả là điện Kremlin ở Moscow trong nhiều thập niên chính từ "điện Kremlin" tượng trưng cho một thế lực bí ẩn. Thực tế, nhiều thành phố ở Nga thời Trung cổ đều có điện "Kremlin" - hay thành lũy công sự - nhưng các điện Kremlin khác không nổi tiếng hay ai ai cũng biết đến bằng điện Kremlin ở Moscow. Điều này có thể giải thích ở nhiều mức độ nhưng lý do căn bản thật đơn giản: Quyền lực.

Mặc dù Moscow được xây dựng khoảng năm 1147 là một thành phố tương đối mới trong số nhiều thành phố cổ của Nga, nhưng phát triển thông qua sự vận động hoàn cảnh thật nhẫn tâm cho đến khi đất nước Nga bị thống trị. Điện Kremlin, một thành lũy ngay trung tâm thành phố, có sơ đồ xấp xỉ hình tam giác ven sông. Là địa điểm quyền lực ở công quốc Muscovite - và sau này là nước Nga nói chung - điện Kremlin bao gồm nhiều đại giáo đường trong vùng cũng như là nơi ở của nhà cầm quyền cho đến khi Peter Đại đế dời đô về St Petersburg năm 1711. Điện Kremlin cũng có nhiều tòa nhà hành chính quan trọng, tu viện và các nhà thờ nhỏ hơn do cung đình sử dụng.

Sơ đồ điện Kremlin
Sơ đồ điện Kremlin (Ảnh: architectnetwork)

Lịch sử xây dựng

Tường thành điện Kremlin trở thành một biểu tượng quyền lực Nga nhờ ở phần lớn vẻ ngoài nổi tiếng đối với trí tưởng tượng Nga nhất là khi giới kiến trúc sư địa phương bổ sung đường xoắn ốc ở tháp trong thế kỷ 17. Nhưng các tháp chính và tường thành rất giống sản phẩm kỹ thuật xây công sự Ý Quattrocento, vào thời điểm xây dựng điện Kremlin ở Moscow, kỹ thuật này đã lỗi thời ở Ý từ lâu.

Trong thập nhiên 1460, tình trạng tường đá vôi hiện hữu của điện Kremlin có niên đại vào cuối thế kỷ 14 đã đến mức cần phải trùng tu khẩn cấp.

(Ảnh: capitaltours)
Các nhà thầu địa phương được tuyển dụng để sửa chữa chắp vá nhưng đối với tái thiết cơ bản, Ivan III phải hướng về nước Ý để tìm chuyên gia xây dựng công sự. Từ năm 1485 - 1516, pháo đài cũ được thay bằng tường và tháp gạch. Tường kéo dài đến 2.235m với chiều dày thay đổi từ 3,5 đến 9m, với lỗ châu mai "đuôi én" kiểu Ý đặc biệt.

Trong số 20 tháp làm nổi bật tường điện Kremlin, tháp công phu nhất đặt ở các góc hay lối ra vào chính vào thành. Trong số các tháp bề thế nhất là tháp Frolow (sau này là tháp Spassky, hay Đấng cứu thế), lần đầu tiên do Vasily Ermolin xây dựng vào năm 1464-1466 nhưng Pietro Antonio Solan xây dựng lại vào năm 1491, ông từ Milan đến Moscow năm 1490. Vương miện trang trí do Bazhen Ogurtsov và một người Anh tên Christopher Halloway bổ sung năm 1624 - 1625. Ở góc Đông Nam của tường thành, tháp Beklemishev (1487 - 1488, có đường xoắn ốc bát giác từ năm 1680) được Marco Friazin xây dựng, ông thường làm việc chung với Solari. Tháp này và các tháp tương tự ở điện Kremlin gợi ý so sánh với pháo đài xây ở Ý.

Solari đóng vai trò quan trọng trong việc trùng tu điện Kremlin, không chỉ những với 4 tháp lối vào, tháp Borovitsky, Constantine và Helen, tháp Frolov, và tháp Nikolsky (tất cả xây dựng trong khoảng thời gian 1490 - 1493), cũng như tháp Binh công xưởng nguy nga và tường điện Kremlin đối mặt với Quảng trường đỏ, ông còn xây dựng "Cung điện nhiều mặt" - Granovitaica palata, đặt tên này là do sự trát vữa nhám lên đá vôi có hình dạng thoi ở mặt tiền chính. Sử dụng để tổ chức yến tiệc và tiếp thượng khách trong khu phức hợp điện Kremlin, công trình do Marco Friazin khởi công năm 1487.

Thánh đường Kremlin

Số liệu thực tế:

  • Diện tích: 24ha
  • Tường:
    • Dài: 2.235m
    • Cao: 8-19m
    • Tháp: 20
  • Tháp vuông Ivan Đại đế: cao 81m

Việc xây dựng lại thánh đường chính của Moscow, "Đức mẹ yên giấc ngàn thu", khởi công vào đầu thập niên 1470 với sự hỗ trợ của Đại hoàng tử Ivan III và Metropolitan Philip, người đứng đầu giáo hội Chính thống Nga. Các thợ xây dựng địa phương chứng tỏ không đủ khả năng đảm nhận một công trình đồ sộ và phức tạp như thế, khi một phần tường bị đổ, Ivan nhờ đến sự giúp đỡ của kiến trúc sư kiêm kỹ sư người Ý Aristotle Fioravanti, đến Moscow năm 1475. Ông được lệnh phải lập mô hình công tình xây dựng Thánh đường Đức mẹ yên giấc ngàn thu ở Vladimir. Trong khi thiết kế của ông kết hợp với một số đặc điểm thuộc phong cách Nga - Byzantine (nhất là mái cupôn đồ sộ ở giữa, và các mái cupôn nhỏ hơn ở các góc), kiến trúc sư cũng đưa ra nhiều sáng kiến về kết cấu: cột bằng gỗ sồi vững chắc làm chân móng, thanh kéo bằng sắt để đỡ mái vòm và gạch cứng (thay cho đá) để xây mái vòm và tường dưới mái cupôn.

Điện Kremlin nhìn bên kia sông, từ hướng Tây Nam
Điện Kremlin nhìn bên kia sông, từ hướng Tây Nam (Ảnh: studyrussian)

Bên ngoài bằng đá vôi phản ánh tỷ lệ hoàn hảo của các bộ phận nhô ra khỏi phần chính đều cạnh trong sơ đồ, và phần bên trong xây dựng bằng cột tròn thay cho các trụ bổ tường đồ sộ - nhẹ hơn và tạo nhiều không gian hơn tất cả nhà thờ khác ở vùng Moscow. Trong cùng thời kỳ người ta cũng chứng kiến việc thi công các nhà thờ nhỏ hơn theo phong cách truyền thống của Nga như Nhà thờ Đức của Robe (1484 - 1488) và Thánh đường truyền tin (1848 - 1489).

Toàn bộ các thánh đường Kremlin đều do Ivan III đặt hàng, kể cả Thánh đường Tổng lãnh thiên thần Michael, do Aleviz Novy xây dựng vào năm 1505 - 1508. Công trình thể hiện những đặc điểm Ý ngôn cuồng nhất của "Thời kỳ Ý" ở Kremlin, và vẫn tượng trưng cho sự trở về các hình thức cổ truyền hơn của các nhà thờ nội tiếp ngang của Nga. Motif "vỏ sò" - một đặc điểm của thành Venice ít lâu sau trở thành phổ biến trong các kiến trúc sư vùng Moscow - tạo ra sự nhấn mạnh dứt khoát đến cách vách bên ngoài, được chia thành một dãy các khối đắp nổi trang trí hình bậc thang, vòm và trụ bổ tường. Hình vẽ trên tường trong nội thất được tiến hành vào thế kỷ 17 và bao gồm, ngoài các chủ đề tôn giáo ra còn có tranh chân dung của các nhà cầm quyền Nga, kể cả những nhà cầm quyền mai táng trong thánh đường từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 17.

Điện  Kremlin về đêm

Điện Kremlin về đêm (Ảnh: bestofrussia)

Công trình tưởng niệm sau cùng và cũng là đỉnh điểm trong việc tái thiết điện Kremlin là Tháp chuông Ivan Đại đế, khởi công như Thánh đường Tổng lãnh thiên thần vào năm 1505 và hoàn công năm 1508. Hầu như người ta không biết gì về kiến trúc sư xây dựng Tháp chuông, Bon Friazin. Thế nhưng rõ ràng ông là một kỹ sư lỗi lạc, không chỉ vì tháp chuông cao 60m chia thành 2 tầng vẫn đứng vững sau bao trận hỏa hoạn và thiên tai vốn theo định kỳ thường tàn phá phần lớn điện Kremlin, Tháp chuông vẫn không suy suyển sau vụ Pháp gài chất nổ vào năm 1812 cho thấy đủ sức để nâng cao 2 công trình kế cận. Tháp chuông, độ cao tăng thêm 21m trong triều đại của Boris Godunov, gối lên tường gạch chắc chắn dày 5m ở phần chân và 2,5m ở tầng thứ 2. Tường của tầng thứ nhất được gia cố bằng dầm sắt đặt trong khối xây.

Bổ sung đáng kể nhất trong thế kỷ 17 ở điện Kremlin là Nhà thờ 12 Thánh tông đồ, do Thượng phụ Nikon đặt hàng như là một phần trong Cung điện Tổ phụ trong khu phức hợp Kremlin. Nhà thờ đồ sộ này ban đầu dành để thờ phụng Thánh tông đồ Phillip, nhưng ẩn ý là tỏ lòng tôn kính Metropolitan Phillip, người được phong thánh tử đạo do phản đối khủng bố của Ivan IV. Thiết kế và lập chi tiết nhà thờ gạch đồ sộ này, xây dựng năm 1652 - 1656, lấy từ mô hình các nhà thờ xây bằng đá vôi vào thế kỷ 12 ở Vladimir. Nikon dự định trở về hình dạng tượng trưng chính xác trong thiết kế nhà thờ.

Điện Kremlin thời Nga hoàng

Trong nửa đầu thế kỷ 18, các nhà cầm quyền ở Nga đều bận tâm với việc xây dựng kinh đô mới St Petersburg. Nhưng dưới thời Catherine Đại đế trị vì, điện Kremlin một lần nữa trở thành đối tượng chú ý của nhà vua. Catherine tài trợ kế hoạch tái thiết toàn bộ khu phức hợp, kể cả tường thành, theo phong cách Tân cổ điển. May thay, những kế hoạch này không đi đến đâu. Ngay tức khắc, Catherine đặt hàng cho một kiến trúc sư tài ba ở Moscow theo trường phái Tân cổ Matvei Kazakov thiết kế một trong những công trình mang tầm cỡ quốc gia quan trọng nhất trong triều đại của Nữ hoàng - Thượng viện trong điện Kremlin. Sau cuộc cải cách hệ thống pháp lý năm 1763, Moscow là thủ đô thứ hai, được chỉ định là trụ sở của 2 trong số những cơ quan pháp lý tối cao của đế quốc.

(Ảnh: bestofrussia)
Thiết kế bậc thầy của Kazakov khai thác một không gian rộng lớn nhưng bất tiện nhét vào góc Đông Bắc của khu Kremlin để tạo ra một công trình hình tam giác 4 tầng. Sơ đồ rất cân đối, với 2 cánh bên trong tạo ra lối đi thuận tiện hơn giữa các cạnh của hình tam giác và hình thành 3 khoảng sân. Ở đỉnh của một trong các cạnh này là đặc điểm nổi bật của toàn bộ kết cấu - gian phòng lớn hình tròn có thể nhìn thấy từ giữa bức tường phía Đông của điện Kremlin. Gian phòng lớn hình tròn là không gian hội họp chính để Thượng viện hay Tòa dân sự tối cao làm việc phù hợp với chức năng của nó. Quay tròn bên ngoài là dãy cột Doric, nội thất hoàn thiện thật tráng lệ bằng cột Corinthian và phù điêu gồm các nhân vật ngụ ngôn của Gavrill Zamaraev. Phần phía trên bao gồm các chân dung lớn trát vữa của hoàng thân Nga và Nga hoàng theo hình thức cổ điển hóa.

Trong thế kỷ 19, Nicholas I đưa ra sáng kiến tái thiết điện Kremlin lớn (1839 - 1849), đã bị xuống cấp nghiêm trọng trong thời gian Pháp chiếm đóng năm 1812 và sau đó được sửa chữa. Trong thiết kế của mình, kiến trúc sư Konstantin Ton xây dựng một mặt tiền bề thế cho điện Kremlin cao hơn sông Moscow, và tạo ra sự kết nối đầy phong cách nghệ thuật với điện Terem,  Cung điện nhiều mặt và Thánh đường Truyền tin bên trong. Đối với thiết kế nội thất của điện, Ton cộng tác với kiến trúc sư cung đình Friedrich Richter, kết hợp các motif Tân cổ điển, Baroque, Gothic và Nga Trung cổ. Ton cũng thiết kế công trình Công binh xưởng kế cận (1844 - 1851), với phong cách mang tính lịch sử của mình nhằm phản ánh chức năng công trình như một bảo tàng viện để giữ một số di tích lịch sử thiêng liêng nhất của nước Nga.

Điện Kremlin của nước Nga Xô viết

Với sự dời thủ độ về Moscow năm 1918 của nước Nga Xô viết, điện Kremlin một lần nữa trở thành địa điểm quyền lực ở Nga. Tuy nhiên, điều này chứng tỏ có một chút may mắn pha trộn khi một số công trình tưởng niệm đáng kính nhất đang bị phá hủy để có mặt bằng xây dựng các cơ quan chính phủ. Chỉ sau khi Joseph Stalin mất, điện Kremlin thêm một lần nữa được mở cửa đón khách tham quam.

Bổ sung đáng kể nhất dưới thời Xô viết đối với toàn bộ là Tòa nhà Quốc hội (1956 - 1961) do Mikhail Posokhin và nhiều người khác thiết kế, có dáng vẻ như một phòng hòa nhạc hiện đại, với phác thảo hình chữ nhật phủ đá khoa cương biểu hiện bằng các tháp hẹp và thân cột nhiều tầng gồm các kính tấm. Đặc điểm duy nhất mang dáng vẻ dịu dàng của công trình là không có sự tương phản với các công trình lịch sử khác trong khu phức hợp, vẫn được xem là ngôi đền văn hóa quan trọng nhất ở Nga.

H.T (Theo Kiến trúc thế giới hiện đại)
  • 3.966