Điều gì xảy xa nếu một ngày tất cả virus biến mất?

  •  
  • 1.131

Sự biến mất của virus sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tiến hóa của mọi sự sống trên hành tinh, bao gồm cả con người. Không có virus, sự sống và hành tinh như chúng ta biết sẽ không còn tồn tại.

Virus là một tác nhân truyền nhiễm trong tế bào sống của một sinh vật khác. Virus có thể xâm nhiễm, phát triển khi ở bên tất cả các dạng sinh vật, từ động vật, thực vật cho tới vi khuẩn và vi khuẩn cổ.

Cho đến nay có khoảng 5.000 loại virus đã được miêu tả chi tiết và có tới hàng triệu dạng virus khác nhau.

Virus dường như chỉ tồn tại để mang tới mầm bệnh và đại dịch. Những đại dịch lớn trên thế giới từ trước đến nay đều có liên quan đến một loài virus nào đó.

Nhưng nếu một ngày tất cả các loài virus biến mất, nhiều hệ quả nghiêm trọng có thể xảy ra, thậm chí hậu quả còn lớn hơn những đại dịch chúng ta từng trải qua.

Virus còn được gọi là siêu vi, siêu vi khuẩn hay siêu vi trùng
Virus còn được gọi là siêu vi, siêu vi khuẩn hay siêu vi trùng, được nhà vi khuẩn học người Nga D.I.Ivanovskiy mô tả lần đầu năm 1892 như "một dạng mầm bệnh không thuộc vi khuẩn" lây
nhiễm vào cây thuốc lá - (Ảnh: SCIENCE).

Virus là chìa khóa cho hệ sinh thái

Trong hệ sinh thái tồn tại phage - thể thực khuẩn, là tên gọi của một tập hợp các loài virus chuyên ký sinh vi khuẩn và ăn chúng. Phage là những kẻ săn mồi chính của thế giới vi khuẩn nơi đại dương và có thể ở mọi hệ sinh thái khác trên hành tinh.

Nếu virus này đột nhiên biến mất, một số quần thể vi khuẩn có khả năng phát triển nhanh chóng khiến mầm bệnh xuất hiện, một số loài vật sẽ biến mất mãi mãi.

Những virus này tiêu diệt khoảng 20 - 50% vi khuẩn đại dương mỗi ngày. Bằng cách loại bỏ các vi khuẩn, virus đảm bảo rằng các sinh vật phù du sản xuất oxy có đủ chất dinh dưỡng để thực hiện quang hợp, duy trì được nhiều sự sống trên Trái đất.

Virus kiểm soát số lượng loài

Có một thực tế phũ phàng rằng nếu số lượng một loài nào đó trở nên quá đông thì một loại virus sẽ xuất hiện và làm giảm số lượng loài đó, bất kể đó là thực vật, động vật hay loài người.

Kết luận này dựa trên phân tích của nhiều nghiên cứu về côn trùng gây hại và các đại dịch. "Đây là một phần rất tự nhiên của hệ sinh thái. Khi một quần thể loài trở nên đông và quá mạnh, virus có xu hướng nhân lên rất nhanh để kiểm soát số lượng loài đó, tạo không gian cho các sinh vật khác sinh sống", Marilyn Roossinck, nhà sinh thái học tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) nói.

Bởi vậy nếu virus biến mất, các loài cạnh tranh có khả năng sẽ phát triển mạnh dẫn đến sự bất lợi cho các loài khác.

Virus duy trì hệ vi sinh vật khỏe mạnh trong cơ thể người và các động vật khác

Mặc dù điều này chưa được hiểu rõ, nhưng ngày càng nhiều ví dụ về sự tương tác chặt chẽ của virus và sự phát triển khỏe mạnh của các loài khác.

Một số sinh vật cũng phụ thuộc vào virus để sinh tồn, hoặc để cho chúng có lợi thế trong một thế giới cạnh tranh. Chẳng hạn, virus đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bò và các động vật nhai lại khác biến cellulose từ cỏ thành đường có thể chuyển hóa và cuối cùng được cơ thể tiêu hóa và sản sinh sữa. Hoặc virus giúp sản sinh một số loài nấm, hỗ trợ các loài thức vật sống được ở môi trường khắc nghiệt

Virus góp phần bảo vệ sức khỏe con người

Nhiễm một số loại virus lành tính nhất định thậm chí có thể giúp con người ngăn chặn một số mầm bệnh.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người mắc HIV mà nhiễm GB virus C hay Human pegivirus - HPgV, một loại virus sinh ra từ máu người phổ biến, sẽ giảm quá trình tiến triển thành AIDS. virus GB C dường như cũng khiến những người nhiễm Ebola ít nguy cơ tử vong hơn người không có virus này.

Tương tự như vậy, herpes giúp chuột ít bị nhiễm một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm cả bệnh dịch hạch và listeria (một loại ngộ độc thực phẩm) hơn.

Dùng virus để chữa bệnh

Virus cũng là một trong những phương pháp trị liệu hứa hẹn nhất để điều trị một số bệnh ác tính. "Liệu pháp phage" vốn là chủ đề của nghiên cứu quan trọng ở Liên Xô từ những năm 1920, sử dụng virus để nhắm mục tiêu nhiễm vi khuẩn.

Hiện nay, nó là một trong lĩnh vực nghiên cứu đang rất được quan tâm vì khả năng điều chỉnh các phương pháp điều trị để loại bỏ các loài vi khuẩn cụ thể thay vì quét sạch bừa bãi toàn bộ quần thể vi khuẩn như kháng sinh.

Một số bệnh nhân cũng được chữa khỏi bằng cách sử dụng virus khi việc dùng kháng sinh thất bại. Các virus oncolytic có chọn lọc lây nhiễm và tiêu diệt các tế bào ung thư cũng đang ngày càng được khám phá như là một phương pháp điều trị ung thư ít độc hại và hiệu quả hơn.

Sự biến mất của virus sẽ tác động đến tiềm năng tiến hóa của mọi sự sống trên hành tinh

Bởi vì liên tục sao chép và biến đổi nên virus cũng nắm giữ bí mật về sự biến đổi di truyền của các sinh vật khác có thể kết hợp với chúng.

Virus nhân lên bằng cách xâm nhập vào tế bào chủ và chiếm quyền điều khiển tế bào. Nếu điều này xảy ra trong một tế bào mầm (trứng và tinh trùng), mã virus có thể được truyền lại cho thế hệ tiếp theo và được tích hợp vĩnh viễn.

Nói cách khác, sự biến mất của virus sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tiến hóa của mọi sự sống trên hành tinh, bao gồm cả con người.

"Virus biến mất và loài người cũng chết", Tony Goldberg, nhà dịch tễ học tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) nói.

Lý do là loài người đang sống trong một trạng thái cân bằng hoàn hảo. Phần lớn các loại virus không gây bệnh cho con người, nhiều loài trong số ấy đóng vai trò không thể thiếu trong việc phát triển các hệ sinh thái.

Một số virus duy trì sức khỏe của sinh vật, tất cả mọi thứ từ nấm, thực vật đến côn trùng và con người. Tuy nhiên chúng ta có xu hướng tập trung vào những loài virus xấu nên thường nhận thức rằng các virus đều xấu như nhau.

Không có virus, sự sống và hành tinh như chúng ta biết sẽ không còn tồn tại. Và ngay cả khi chúng ta muốn, có lẽ sẽ không thể tiêu diệt được mọi loại virus trên Trái đất. Nhưng bằng cách tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu không có virus, chúng ta có thể hiểu rõ hơn không chỉ tầm quan trọng của chúng đối với sự sống còn của loài người mà còn là những bí ẩn xung quanh virus mà chúng ta chưa khám phá được.

Cập nhật: 19/06/2020 Theo Tuổi Trẻ
  • 1.131