"Đình dục" ở cá Killi có thể là chìa khóa ngăn lão hóa người

  •  
  • 754

Trứng cá Killi ngọc lam có thể tạm ngừng phát triển trong nhiều năm, lâu hơn cả tuổi đời của cá khi nở, thuật ngữ khoa học gọi là "thời kỳ đình dục".

Để thích ứng với điều kiện môi trường sống bất lợi, một số sinh vật có thể tạm ngừng quá trình phát triển và trao đổi chất trong vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí là vài năm. Hiện tượng, theo thuật ngữ khoa học được gọi là "thời kỳ đình dục" ở động vật, có thể ẩn chứa những bí mật giúp các nhà khoa học tìm ra cách ngăn sự lão hóa tế bào ở người trong tương lai.

Cá Killi ngọc lam.
Cá Killi ngọc lam. (Ảnh: Guardian).

Các chuyên gia từ Đại học Stanford, Mỹ, dẫn đầu bởi giáo sư Anne Brunet, gần đây đã tiến hành một nghiên cứu chi tiết trên cá Killi ngọc lam, loài có thể duy trì phôi trứng ở "trạng thái nghỉ" suốt nhiều năm trong điều kiện khô hạn, nhằm giải mã cơ chế hoạt động của chúng.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, Brunet và các đồng nghiệp nhận thấy thời kỳ đình dục ở cá Killi có liên quan đến sự suy giảm hoạt tính của các gene chịu trách nhiệm phân chia tế bào và phát triển cơ quan. Bên cạnh đó, các gene liên quan đến sự trao đổi chất và duy trì chức năng cơ bắp cũng bị ảnh hưởng.

Nhóm nghiên cứu cho biết có thể áp dụng cơ chế đình dục ở phôi đối với các cá thể trưởng thành, điều đã được chứng minh qua thử nghiệm trên một sinh vật có cấu tạo đơn giản hơn là loài giun tròn C elegans. "Điều này đặt ra một giả thuyết rằng việc điều chỉnh các gene để kích hoạt cơ chế đình dục ở một số tế bào hoặc mô trưởng thành có thể kéo dài tuổi thọ của chúng", Brunet cho biết.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh cơ chế đình dục chỉ tác động lên "đồng hồ lão hóa" của các tế bào và mô chứ không ảnh hưởng đến tuổi đời, kích thước cơ thể cũng như khả năng sinh sản của sinh vật khi trưởng thành.

"Phát hiện mới liệu có thể giúp chúng ta tìm ra cách chống lại sự lão hóa ở người hay không? Theo quan điểm của chúng tôi, nghiên cứu cơ chế đình dục ở động vật có thể cung cấp manh mối giúp chúng ta tìm hiểu cách ngăn chặn hoặc làm chậm tác động của thời gian đối với quá trình lão hóa tế bào. Nhưng điều này hiện vẫn chỉ là suy đoán", Brunet nói về triển vọng của nghiên cứu.

Cá Killi lam ngọc (Nothobranchius furzeri) sinh sống chủ yếu trong môi trường bán khô cằn ở châu Phi, nơi có lượng nước thất thường, thay đổi theo mùa. Trải qua hàng triệu năm tiến hóa, chúng đã phát triển các trứng kháng khô có thể tồn tại qua những đợt hạn hán kéo dài một vài năm, lâu hơn nhiều so với tuổi thọ của cá trưởng thành (4 - 6 tháng).

Cập nhật: 25/02/2020 Theo VnExpress
  • 754