Trong các bản tin thời tiết, các ứng dụng đo nhiệt độ hay trên các thiết bị như điều hòa, nhiệt kế điện tử, súng đo nhiệt độ... bạn sẽ bắt gặp những thuật ngữ, ký hiệu như độ F, độ C. Vậy độ F là gì? Độ C là gì? 1 độ C bằng bao nhiêu độ F? 1 độ F bằng bao nhiêu độ C? Mời các bạn cùng đọc bài viết dưới đây để được giải đáp tất cả những thắc mắc này nhé!
Độ F là một đơn vị đo nhiệt độ, được ký hiệu là oF. Trong tiếng Anh, độ F đọc là Fahrenheit. Trên thực tế, độ F được đặt theo tên của nhà vật lý người Đức Daniel Gabriel Fahrenheit (1686 - 1736).
Daniel Gabriel Fahrenheit chọn điểm số không (cũng là điểm chuẩn thứ nhất) trên thang nhiệt độ là nhiệt độ thấp nhất tại quê hương ông - thành phố Gdansk - vào mùa đông năm 1708/1709 - một mùa đông vô cùng khắc nghiệt. Năm 1714, ông tiếp tục xác định điểm chuẩn thứ 2 là nhiệt độ đóng băng của nước tinh khiết (32 độ F) và điểm chuẩn thứ ba là thân nhiệt của một người khỏe mạnh (96 độ F). Sau này, thang nhiệt độ Fahrenheit được xác định lại theo 2 điểm chuẩn mới là nhiệt độ đóng băng (32 độ F) và nhiệt độ sôi của nước (212 độ F). Nếu theo 2 điểm chuẩn mới này thì thân nhiệt của một người khỏe mạnh bình thường sẽ là 98,6 độ F, chứ không phải 96 độ F như Daniel Gabriel Fahrenheit đã xác định.
Daniel Gabriel Fahrenheit.
Độ F đã được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực thời thiết, công nghiệp, y tế… cho đến tận những năm 1960 khi mà các chính phủ bắt đầu đưa độ C vào kế hoạch chuẩn hóa hệ thống đo lường. Mặc dù không còn phổ biến như trước nữa nhưng độ F vẫn được Mỹ và một số quốc gia nói tiếng Anh khác sử dụng. Ở Mỹ, hệ thống Fahrenheit được chấp nhận là chuẩn cho mục đích phi khoa học.
Cũng giống như độ F, độ C là một đơn vị đo nhiệt độ, được ký hiệu là oC. Độ C trong tiếng Anh đọc là Celsius, được đặt theo tên gọi của nhà thiên văn học người Thụy Điển Anders Celsius (1701 - 1744) - người đầu tiên đề ra hệ thống đo nhiệt độ căn cứ theo trạng thái của nước.
Vào năm 1742, Anders Celsius đã tạo ra một thang đo nhiệt độ ngược với thang đo hiện tại gọi là Celsius, trong đó 0 độ là điểm sôi của nước, 100 độ là điểm nước đóng băng. Hai năm sau, tức năm 1744, nhà khoa học Carolus Linnaeus đã đảo ngược hệ thống của Celsius, chọn 0 độ là điểm nước đông đá và 100 độ là điểm nước sôi. Theo thang đo này, thân nhiệt bình thường của con người sẽ là 37 độ C. Ngày nay, độ C là một trong những đơn vị đo lường chuẩn hóa được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Anders Celsius.
Trong nhiều trường hợp, chúng ta cần chuyển đổi độ C sang độ F hoặc độ F sang độ C để việc đo đạc, tính toán trở nên đơn giản, thuận tiện hơn. Nếu muốn biết 1 độ C bằng bao nhiêu độ F hoặc 1 độ F bằng bao nhiêu độ C, hãy áp dụng những công thức sau đây:
Công thức đổi độ C sang độ F
oF = (oC x 1,8) + 32
Bạn chỉ cần thay giá trị nhiệt độ tính theo độ C vào công thức trên và thực hiện phép tính là có thể đổi nó sang độ F.
Từ công thức này, chúng ta có thể thấy 1 độ C = ((1 x 1,8) + 32) độ F = 33,8 độ F.
Công thức đổi độ F sang độ C
oC = (oF - 32)/1,8
Từ công thức này, chúng ta có thể thấy 1 độ F = (1 - 32)/1,8 = -17,22 độ C.