Xử lý nước thải bằng bể tuyển nổi

  •  
  • 2.946

Bằng công nghệ bể tuyển nổi, các làng nghề sản xuất, tái chế giấy có thể giảm 70-80% lượng nước thải, thu hồi đến 75% bột giấy trong quá trình sản xuất. Đây là giải pháp công nghệ vừa được Viện khoa học và công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) nghiên cứu ứng dụng thành công, mở ra triển vọng xử lý ô nhiễm môi trường ở các làng nghề tái chế giấy Việt Nam.

Hiện nay trên cả nước có khoảng 1.450 làng nghề nhưng vùng châu thổ sông Hồng tập trung nhiều nhất với khoảng 800 làng, trong đó Hà Tây, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định và Thanh Hóa là những địa phương có mật độ làng nghề cao nhất. Với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8%, làng nghề được coi là có tác động mạnh mẽ nhất làm thay đổi đời sống và bộ mặt nhiều vùng nông thôn, mang lại nhiều lợi nhuận kinh tế và là nguồn thu chủ yếu của nhiều hộ gia đình.

Tuy nhiên, với đặc trưng sản xuất manh mún, thủ công, nhỏ lẻ hộ gia đình, làng nghề đang trở thành gánh nặng về môi trường với những địa phương có nhiều làng nghề phát triển. Chế biến lương thực thực phẩm, tái chế, dệt nhuộm được coi là một trong những làng nghề có mức độ gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp nhất.

(Ảnh: Nhandan)
Theo PGS.TS. Đặng Kim Chi - Viện khoa học và công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), làng nghề tái chế là loại làng nghề có khả năng gây ô nhiễm tới cả ba thành phần môi trường không khí, nước, đất. Tại các làng nghề tái chế giấy, vấn đề ô nhiễm chủ yếu là chất rắn như xơ sợi, bột giấy trong nước thải. Đơn cử như làng nghề sản xuất giấy tái chế Phú Lâm và Phong Khê (Bắc Ninh), mỗi năm làm ra gần 20.000 tấn sản phẩm thì cũng đã thải ra môi trường khoảng 1.500 m3 nước thải mỗi ngày. Nước thải chứa lượng lớn các hóa chất độc hại như xút, thuốc tẩy, phèn kép, nhựa thông và phẩm mầu... với hàm lượng BOD5 và COD vượt 4-6 lần tiêu chuẩn cho phép.

Nếu như trước đây, phần lớn nước thải của các làng nghề tái chế giấy đều không qua xử lý được đổ thẳng vào kênh mương, ao hồ trong khu dân cư và hòa vào hệ thống tiêu thoát nước chung, gây ô nhiễm môi trường không chỉ trong địa phương và các khu vực và vùng, khác thì nay với công nghệ bể tuyển nổi, nước thải sẽ được thu gom, xử lý và tái sử dụng. Nước thải của làng nghề được thu gom mương dẫn vào bể lắng cát, bể điều hòa và sau đó được bơm lên bể tuyển nổi. Ở đây bột giấy (chất thải còn lại của quá trình xeo) được tách ra nhờ các bọt khí cung cấp từ nhà máy nén khí. Bột giấy nổi lên trên bề mặt sẽ được tách ra đưa về bể thu hồi bột giấy và tái sử dụng lại. Nước sau tách bột sẽ được đưa sang một bể lắng đứng khác để tách phần cặn còn lại rồi thải ra hồ sinh học xử lý bằng biện pháp sinh học. Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn thải và bảo đảm trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.

PGS.TS Chi cho biết: điểm nổi bật nhất khi ứng dụng hệ thống xử lý nước thải làng, nghề tái chế giấy bằng bể tuyển nổi là sẽ hạn chế cơ bản vấn đề lượng bột giấy còn tồn đọng trong nước thải. Đây cũng chính là tác nhân chính làm gia tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước. Bởi theo thống kê thì riêng hai làng nghề Dương Ô và Phú Lâm (Bắc Ninh) mỗi ngày sản xuất cũng đã thải ra ngoài môi trường khoảng 1.500- 3.000 kg BOD và hơn 3.000 kg bột giấy vào nước thải. Nếu được thu lại, không chỉ làm giảm mức độ ô nhiễm môi trường mà còn tận thu để tái chế, tái sử dụng. Bột giấy thu được từ công đoạn này có thể tiếp tục đưa vào sử dụng để sản xuất giấy chất lượng thấp.

Ô nhiễm môi trường làng nghề Việt Nam đang trở thành vấn đề bức xúc ở hầu hết các địa phương và là một bài toán khó khăn, nan giải với những cơ quan bảo vệ môi trường. Công nghệ bể tuyển nổi được coi là giải pháp tháo gỡ vấn đề ô nhiễm môi trường với các làng nghề tái chế giấy. Công trình xây dựng đơn giản nên chi phí đầu tư và vận hành thấp với công suất 25-30 m3/h. Đặc biệt, với giá chuyển giao công nghệ theo phương thức trọn gói chỉ khoảng 100 - 110 triệu đồng nên có thể ứng dụng cho cơ sở sản xuất khoảng 4,2 tấn giấy/ngày. Ngoài ra hệ thống cũng có thể áp dụng cho các cơ sở sản xuất giấy từ nhỏ đến lớn.

Tuy nhiên, để có thể mở rộng ứng dụng cho các làng nghề sản xuất, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là ý thức của nhà sản xuất trong khi chưa có một quy chế mang tính pháp lý xử lý môi trường các làng nghề Việt Nam.

Thời báo kinh tế Việt Nam, Nhân dân
  • 2.946