Đọc luôn để nắm được cách "soi" vết cắn, biết ngay con gì đốt

  •  
  • 1.829

Một ngày đẹp trời, bạn thức dậy và thấy người có những vết mẩn ngứa, mà chắc chắn thủ phạm không phải là muỗi.

Mùa hè nóng nực và ẩm ướt là thời điểm côn trùng xuất hiện rất nhiều. Và khỏi phải nói cũng hiểu rằng không phải vết cắn của con nào cũng giống nhau.

Chẳng hạn một sáng bạn thức dậy, bỗng thấy người nổi lên một vài vết mẩn ngứa mà bạn biết chắc chắn là không phải muỗi đốt (vì bị đốt quá nhiều rồi). Thủ phạm có thể là bất kỳ con gì: rận, ve, thậm chí là ruồi... nhưng cụ thể là con nào thì đố mà biết được.

Nếu muốn biết chính xác nhất thì tốt nhất là hãy ghé thăm bác sĩ - đặc biệt là với những vết đốt gây đau đớn và ngứa ngáy kéo dài. Nhưng dù sao thì dưới đây cũng là một số vết cắn cơ bản nhất mà bạn có thể lấy ra để so sánh trong trường hợp không quá nghiêm trọng.

1. Vết muỗi đốt

Vết muỗi đốt

Vết muỗi cắn thì đã quá quen thuộc rồi. Do trong nước bọt của muỗi có chứa một hóa chất chống đông máu, nó tạo ra vết mẩn ngứa, nổi lên khá rõ ràng trên da. Trong một vài trường hợp cá biệt, vết phồng ấy còn có thể chứa đầy dịch lỏng, giống như mụn vậy.

2. Ruồi

Vết ruồi cắn

Chắc ít người biết điều này, nhưng một số loài ruồi có thể đốt, trong đó có lũ ruồi nhà mà chúng ta vẫn thường thấy.

Giống như muỗi, chỉ có ruồi cái mới đốt. Nhưng khác với muỗi, lũ ruồi không trang bị thuốc tê trong nước bọt. Chúng sẽ chỉ cắn thôi, và bạn sẽ cảm nhận được nó ngay tức thì.

Phản ứng của đa số khi bị ruồi tấn công là vết sưng đỏ khá đặc biệt. Một số có thể bị dị ứng, gây mẩn ngứa toàn thân, chóng mặt, khó thở... nhưng hiếm có trường hợp như vậy xảy ra.

3. Rệp giường

Vết rệp giường cắn

Đây thực sự là những vết cắn cực kỳ khó chịu. Bạn thức dậy với những vết mẩn đỏ cực kỳ mất thẩm mỹ, mà không thể bắt được chúng vì lũ này quá nhỏ bé. Cách duy nhất là giặt và phơi toàn bộ ga (ra), nệm ra nắng thôi, vì chúng không chịu được nhiệt độ cao.

Các vết mẩn đỏ do rệp cắn thường nhỏ, xuất hiện ở cổ, bàn tay, cánh tay, và đôi khi là cả trên mặt.

4. Bọ mạt (mite)

Vết bọ mạt cắn

Bọ mạt thực chất là tên gọi chung cho rất nhiều loại bọ nhỏ bé - chính xác hơn là cực kỳ nhỏ bé. Chúng sống trong bụi nhà, trong sợi vải, nội thất... Và tất cả đều có một điểm chung là cực kỳ khát máu.

Nếu một ngày đẹp trời, bạn thấy tay chân xuất hiện các vết mẩn tuy nhỏ nhưng ngứa ngáy hơn bình thường, khả năng cao thủ phạm chính là mạt. Và nếu không may, chúng có thể chui vào da bạn, đẻ trứng và gây ra bệnh ghẻ.

Đừng nghĩ rằng chỉ những người ở bẩn mới bị ghẻ. Trên thực tế, các loại trùng ghẻ hiện đã tự kháng được rất nhiều hóa chất của con người, nên chúng ngày càng khó diệt hơn.


Một số người thậm chí có thể bị chúng chui xuống dưới da để đẻ trứng, gây ra bệnh ghẻ.

5. Bọ ve

Vết bọ ve cắn

Chúng còn có tên khác là bọ càng cua - loài bọ thường sống ký sinh trên vật nuôi. Khi nhảy được sang con người, lũ bọ ve có thể gây ra các vết đốt hết sức khó chịu và có phần đau đớn. Các vết mẩn đỏ có thể kéo dài cả một ngày, không đau nhưng rất ngứa ngáy.

Có đến 850 loài bọ ve, trong đó một số loài có thể gây ra những chứng bệnh nghiêm trọng. Nếu cảm thấy khó thở, đau đớn sau khi phát hiện vết đốt, hãy đến gặp bác sĩ ngay và luôn.

6. Bọ chét

Vết bọ chét cắn

Tương tự như bọ mạt, các vết đốt của bọ chét cũng rất nhỏ, có màu đỏ, và thường nổi mẩn trong vài ngày. Chúng thường xuất hiện quanh cẳng chân và mắt cá chân.

Có một điểm khá kỳ lạ về lũ bọ chét, đó là chúng có thể tập trung cắn chỉ một đối tượng trong nhà, thay vì cắn tất cả mọi người. Và với một số người có cơ địa nhạy cảm thì quả là bi kịch, vì vết đốt có thể mất cả năm trời cũng không biến mất.

7. Kiến lửa

Vết kiến lửa cắn

Trong tất cả các loài trên, vết đốt của kiến lửa có thể xem là đau nhất. Đó là vì kiến lửa có nọc độc, khi dính vào da có thể gây bỏng, ngứa và nổi mẩn hết sức kinh dị. Và nếu bị cắn quá nhiều, bạn có thể chết vì sốc phản vệ.

Cập nhật: 28/08/2018 Theo helino
  • 1.829