Đổi tên hơn 200 loài thực vật có tên phân biệt chủng tộc

  •  
  • 108

Sau nhiều năm tranh luận, các nhà thực vật học bỏ phiếu để đổi tên của hơn 200 loài thực vật, nấm và tảo có tên liên quan đến phân biệt chủng tộc. Đây là lần đầu tiên một động thái như vậy được thực hiện.

Quyết định được đưa ra tại Đại hội Thực vật quốc tế (IBC) diễn ra từ ngày 21-7 đến 27-7 tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, nơi 351/556 người tham dự bỏ phiếu ủng hộ việc đổi tên có chứa hay bắt nguồn từ từ "caffra" - một từ thường dùng để miệt thị người da đen, đặc biệt là tại Nam Phi.

Loài cây Erythrina caffra sẽ được đổi tên thành Erythrina affra
Loài cây Erythrina caffra sẽ được đổi tên thành Erythrina affra - (Ảnh: Shutterstock).

Có hiệu lực từ cuối tháng 7 này, thuật ngữ mang tính xúc phạm trên sẽ được thay thế bằng từ "affra" và những từ phái sinh khác, như một cách để chỉ nguồn gốc châu Phi của các loài thực vật này, theo trang IFLScience.

Các nhà thực vật học Gideon F. Smith và Estrela Figueiredo của Đại học Nelson Mandela (Nam Phi) lần đầu đề xuất ý tưởng này vào năm 2021.

"Chúng tôi rất biết ơn các đồng nghiệp trên khắp thế giới đã ủng hộ nỗ lực của chúng tôi trong việc xóa bỏ định kiến phân biệt chủng tộc trong tên của các loài thực vật", ông Smith nói về cuộc bỏ phiếu mới đây.

Tuy nhiên, không phải ai trong giới khoa học cũng đồng thuận với việc đổi tên. "Việc ổn định tên khoa học là cần thiết cho mọi hoạt động thuộc lĩnh vực khoa học sinh học" - Ủy ban quốc tế về danh pháp động vật học cho biết.

Lập luận này có thể không đứng vững, khi các nhà khoa học cần dùng tên khoa học của một loài thực vật nhưng lại phát hiện tên đó mang ý nghĩa xúc phạm.

Tháng 11-2023, Hiệp hội Điểu học Mỹ đã đưa ra một giải pháp cho tên của các loài chim. Đó là giữ nguyên tên khoa học nhưng đổi tên tiếng Anh của các loài chim gắn liền đến chế độ nô lệ, phân biệt chủng tộc và kỳ thị phụ nữ.

Cuộc tranh luận về việc có nên thay đổi tên khoa học và tên thông dụng của các loài động thực vật hay không sẽ tiếp tục diễn ra ngay cả sau cuộc bỏ phiếu nói trên, và điều này cũng đúng với các ngành khác ngoài lĩnh vực sinh học, theo IFLScience.

Cập nhật: 25/07/2024 Tuổi Trẻ
  • 108