Trong một cuộc thử nghiệm do Úc và Mỹ phối hợp thực hiện, một động cơ phản lực tĩnh siêu âm đã được phóng lên không trung với tốc độ hơn 10 lần tốc độ âm thanh.
Ngày 15/6, các nhà khoa học quốc phòng Mỹ và Úc đã thực hiện thành công cuộc thử nghiệm động cơ phản lực tĩnh siêu âm (scramjet) tại một vùng xa xôi hẻo lánh ở Úc. Động cơ này đã đạt tốc độ lên đến 11.000 km/giờ (khoảng 6.835 dặm/giờ), tức nhanh hơn tốc độ âm thanh đến 10 lần.
Động cơ phản lực tĩnh siêu âm đạt đến tốc độ 11.000 km/g sau khi được đẩy bằng một tên lửa qui ước lên tầng trên của bầu khí quyển Trái Đất. (Ảnh: CNET) |
Động cơ phản lực tĩnh siêu âm chỉ vận hành phù hợp trong điều kiện tốc độ cao và bầu không khí loãng. Do đó, nó phải được phóng đi bằng một hỏa tiễn qui ước lên tầng trên của bầu khí quyển Trái Đất rồi mới bắt đầu hoạt động để đạt đến tốc độ siêu âm.
Phát biểu với hãng tin Reuters, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Úc nói: “Tất cả những thông số cho thấy cuộc thử nghiệm đã thành công tốt đẹp và các nhà khoa học rất hạnh phúc vì điều đó”.
Theo ông Steven Walker, trưởng nhóm nghiên cứu của DARPA, tất cả dữ liệu bay sẽ được kiểm tra trong vòng vài tuần tới để so sánh với những cuộc thử nghiệm trên mặt đất đã được thực hiện tại Mỹ.
Theo dự kiến của các nhà khoa học Mỹ và Úc, công nghệ động cơ phản lực tĩnh siêu âm sẽ được ứng dụng trong cả hai lĩnh vực quốc phòng và dân sự trong vòng 20 năm nữa.
Ông Walker nói: “Chúng tôi hết sức hài lòng trước những nỗ lực chung của Mỹ và Úc. Chúng tôi tin rằng một máy bay phản lực có thể bay nhanh gấp 10 lần tốc độ của âm thanh sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa lắm”.
Theo các nhà khoa học, động cơ máy bay phản lực tĩnh siêu âm sẽ là công cụ để thực hiện những chuyến bay siêu tốc trong những phi vụ tầm xa và cũng là phương tiện ít tốn kém để phóng vệ tinh vào vũ trụ trong tương lai.
Động cơ “scramjet” sẽ được ứng dụng trong cả quốc phòng lẫn
dân sự trong vòng 20 năm nữa. (Ảnh: CNET)
Minh Quang