Động cơ tên lửa in 3D tạo lực đẩy 10 tấn

  •  
  • 244

E-2, động cơ tên lửa in 3D do công ty vũ trụ tư nhân Mỹ Launcher phát triển, vượt qua thử nghiệm lực đẩy tối đa đầu tiên.

Công ty vũ trụ tư nhân Launcher đang nghiên cứu chế tạo tên lửa Launcher Light, đặt mục tiêu đưa các vệ tinh lên quỹ đạo với chi phí thấp và thời gian quay vòng nhanh. Launcher Light có sức chở 150 kg và trang bị động cơ E-2 in 3D.

Hôm 21/4, Launcher lần đầu kiểm chứng lực đẩy tối đa của động cơ này tại Trung tâm Vũ trụ Stennis của NASA ở bang Mississippi. Đây là một trong những cột mốc lớn đầu tiên của công ty trong hành trình đưa tên lửa lên quỹ đạo và gia nhập danh sách các công ty tên lửa tư nhân.

Khoang động cơ E-2 được in 3D hoàn toàn bằng hợp kim đồng.
Khoang động cơ E-2 được in 3D hoàn toàn bằng hợp kim đồng.

Động cơ E-2 sử dụng hỗn hợp LOX và dầu Kerosene, tạo ra lực đẩy khoảng 10 tấn với áp suất đốt cháy 100 bar. Động cơ hoạt động 4 lần, mỗi lần kéo dài 10 giây và sau đó vẫn trong "tình trạng hoàn hảo", Launcher cho biết.

Khác với động cơ tên lửa truyền thống, khoang động cơ E-2 được in 3D hoàn toàn bằng hợp kim đồng. Launcher sử dụng máy in AMCM M4K để chế tạo các bộ phận tên lửa. Launcher Light hiện không thể tái sử dụng, nhưng Launcher hy vọng sẽ tạo ra một phiên bản trang bị 9 động cơ với tầng thứ nhất tái sử dụng được trong tương lai.

Công nghệ in 3D dự kiến đóng vai trò lớn trong không gian. Những công ty như SpaceX, Relativity Space và Rocket Lab đã chứng minh các bộ phận tên lửa có thể in 3D hoàn toàn và công nghệ này thậm chí có thể được sử dụng ngoài Trái Đất để xây bệ phóng hay các cấu trúc khác. Năm ngoái, Relativity Space ra mắt tên lửa in 3D đầu tiên tái sử dụng hoàn toàn, dù nó vẫn chưa tới bệ phóng.

SpaceX là công ty đầu tiên phóng các tên lửa tái sử dụng có thể hoạt động đầy đủ, dù tên lửa Falcon 9 của hãng chỉ tái sử dụng một phần. Tầng tên lửa thứ nhất quay về Trái Đất và hạ cánh thẳng đứng còn tầng thứ hai phân rã khi rơi trở lại khí quyển. SpaceX hy vọng sẽ phóng Starship, tàu vũ trụ có thể tái sử dụng hoàn toàn của hãng này, sớm nhất vào tháng 5. Mục tiêu xa hơn là phóng Starship tới Mặt Trăng và sao Hỏa.

Cập nhật: 29/04/2022 Theo VnExpress
  • 244