Đồng hành cùng nông dân trong phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá

  •  
  • 929

Trong thời điểm bùng phát dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) trên lúa, Viện Lúa ĐBSCL đã tích cực hỗ trợ các địa phương và nông dân trong công tác dập dịch với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể.

Hiện nay, các nhà khoa học của Viện đang tập trung nghiên cứu, chọn lọc và nhân rộng những giống lúa có tính kháng bệnh VL-LXL cao, để kịp thời cung cấp cho các địa phương trong những vụ mùa tiếp theo.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, công tác nghiên cứu, chọn lọc các giống lúa có triển vọng, có tính kháng hoặc chống chịu tốt với rầy nâu được Ban Chỉ đạo Phòng trừ rầy nâu, bệnh VL-LXL của Viện xác định rất quan trọng, cần thực hiện nhanh chóng. Vì hiện nay, hầu hết các giống lúa triển vọng, ngắn ngày, năng suất cao trong sản xuất đều bị nhiễm rầy nâu, VL-LXL. Do vậy, ngoài việc nghiên cứu nguồn gien kháng để sử dụng trong công tác lai tạo, cần phải thanh lọc các giống có triển vọng để phục vụ kịp thời cho sản xuất ở ĐBSCL. Đề tài “Nghiên cứu đánh giá tính kháng bệnh lùn lúa cỏ, lùn xoắn lá và Tungro trên bộ giống lúa cho vùng ĐBSCL”, do Tiến sĩ Phạm Văn Dư làm chủ nhiệm, đang được triển khai thực hiện. Các nhà khoa học sẽ xây dựng qui trình thanh lọc giống kháng bệnh virus trong điều kiện nhà lưới cũng như ngoài đồng. Từ đó, chọn ra 10-20 dòng giống triển vọng có khả năng kháng và chống chịu tốt với rầy nâu và nhiều nguồn bệnh virus gây bệnh VL-LXL.

Việc nhân nhanh các giống có triển vọng tại các ruộng giống của Viện để tạo nguồn giống tốt cho các địa phương sản xuất trong vụ hè thu 2007 cũng đang được gấp rút tiến hành. Tiến sĩ Phạm Văn Dư cho biết: “Trong đợt dịch rầy nâu, VL-LXL vừa qua, Viện đã đưa ra những bộ giống mới: OM4498, OM5930, OM 4495, OM 2431 (AF996), OMCS2000, OM 576 chống chịu được rầy nâu, VL-LXL. Viện đang tích cực nhân các giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng để cung cấp cho các trung tâm, các cơ sở nhân giống ở vùng ĐBSCL. Kế hoạch của Viện là cung cấp 32 tấn giống siêu nguyên chủng, 500 tấn giống nguyên chủng cho vụ hè thu 2007”. Để thực hiện tốt kế hoạch này, các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL đã có sáng kiến cải tiến “Cấy mạ gieo trên sân có giăng mùng chống rầy nâu, hạn chế bệnh VL-LXL”. Mô hình này được áp dụng tại Viện Lúa ĐBSCL với diện tích 77 ha để nhân giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng vụ hè thu và đông xuân năm 2006.

Dùng màng lưới bảo vệ mạ để tránh rầy nâu truyền bệnh VL-LXL.
Dùng màng lưới bảo vệ mạ để tránh rầy nâu truyền bệnh VL-LXL.
(Ảnh: Nguyễn Văn Tạo)

Mô hình được thực hiện như sau: Mạ được gieo trên sân có trải nhựa PE với nguyên liệu dinh dưỡng trộn sẵn. Mạ sau khi gieo xong được giăng mùng bằng lưới nilon để tránh rầy nâu di trú và truyền virus gây bệnh VL-LXL cho mạ. Cấy mạ sân giúp tiết kiệm lượng giống gieo và thời gian cấy ngắn. Cây mạ không bị mất sức, giúp cây lúa mau đẻ nhánh, khả năng chống chịu tốt và năng suất cao hơn 500kg/ha trên cùng một giống. Giá thành cấy mạ sân từ khi gieo mạ đến khi hoàn tất việc cấy là 2,1 triệu đồng, giảm khoảng 900.000 so với cấy mạ ruộng. Ông Nguyễn Văn Tạo, Trưởng phòng Sản xuất, Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Lúa cấy bằng mạ được gieo theo phương pháp trên tại Viện Lúa đang phát triển tốt, không có dấu hiệu nhiễm rầy nâu, bệnh VL-LXL”. Mô hình giăng mùng cho mạ cũng được các nhà khoa học áp dụng đối với mạ gieo trên ruộng và cho kết quả tốt. Đối với mạ gieo trên sân, lưới cách mạ khoảng 50 cm; mạ gieo trên ruộng thì lưới cách mạ 1 m.

Bên cạnh đó, Viện Lúa ĐBSCL đã tập hợp trên 280 dòng, giống từ các viện, trường khác để đưa đi khảo sát tính chống chịu rầy nâu, VL-LXL ở các điểm xảy ra dịch bệnh như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Cần Thơ, Tây Ninh... và nhận 48 dòng, giống kháng bệnh lùn lúa cỏ từ Indonesia, bệnh Tungro từ Viện lúa quốc tế (IRRI). Một số giống lúa kháng chịu được bệnh VL-LXL trong đợt dịch vừa qua ở các tỉnh ĐBSCL và miền Đông cũng được cán bộ của Viện thu thập và nghiên cứu...

Một trong những thành tựu nổi bật của Viện Lúa ĐBSCL trong năm 2006 là được Hội đồng Khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá và công nhận 1 giống lúa quốc gia là OM4498; đồng thời, cho phép sản xuất thử các giống: OM5930, OM 5239, OM 2008 (giống nếp), OM 2519.

Giống lúa OM4498 do TS Nguyễn Thị Lang, Trưởng Bộ môn Di truyền - Chọn giống và các cộng sự lai tạo, chọn lọc cho vùng khó khăn đất phèn nhiễm mặn, vùng lúa nước trời. OM4498 là một trong 10 giống nổi bật nhất được bình chọn liên tục ở các kỳ hội thảo đánh giá giống tại Viện Lúa và các tỉnh ĐBSCL từ năm 2003 đến 2005 và vụ hè thu 2006. Giống có nguồn gốc tổ hợp lai IR64/OMCS2000/IR64marker và ứng dụng công nghệ sinh học trợ giúp công tác chọn giống nên rút ngắn thời gian chọn lọc. OM4498 có phẩm chất: hạt gạo thon dài, gạo trong ít bạc bụng, hàm lượng amylose 24,4%, trọng lượng 1.000 hạt 27 gram, hạt gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. OM4498 có thể trồng các vụ trong năm, năng suất đạt 5-8 tấn/ha. Hiện nay, diện tích trồng OM4498 ở ĐBSCL khoảng 15.000ha. OM4498 có tính kháng trung bình bệnh đạo ôn và rầy nâu. Vụ hè thu sang vụ thu đông 2006, khi dịch rầy nâu bùng phát ở các tỉnh phía Nam thì OM4498 có ưu thế chống chịu được bệnh VL-LXL và cho năng suất cao trong khi các giống khác cùng điều kiện bị thất thu.

TS Nguyễn Thị Lang cho biết: “Công trình nghiên cứu giống lúa OM4498 được bắt tay thực hiện năm 2000. Năm 2003, chính thức đưa ra giống lúa OM4498 và tiến hành khảo nghiệm. Năm 2005, Hội đồng khoa học Bộ NN&PTNT công nhận là giống khu vực hóa và năm 2006, được công nhận giống quốc gia”. Hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang và các cộng sự đang tiếp tục nghiên cứu, lai tạo các giống lúa có triển vọng khác.

Bên cạnh vấn đề giống, Viện Lúa ĐBSCL còn có nhiều hoạt động hiệu quả khác phục vụ công tác phòng trừ rầy nâu, bệnh VL-LXL như: Tham gia nghiên cứu các mô hình về canh tác học (sử dụng giống kết hợp phân bón để giảm thiểu dịch hại), các mô hình dập dịch ở Sóc Trăng, Trà Vinh. Tiến hành trắc nghiệm, thanh lọc rầy nâu, VL-LXL trong nhà lưới và ngoài đồng. Khảo sát ảnh hưởng của các biện pháp canh tác, điều kiện tự nhiên đến sự phát triển của rầy nâu, VL-LXL. Soạn thảo và phát hành các tài liệu về qui trình phòng chống rầy nâu, bệnh VL-LXL, giới thiệu một số giống lúa có khả năng chống chịu rầy nâu, gửi đến các tỉnh trong vùng có dịch. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh trong vùng, Cục Bảo vệ thực vật; tăng cường hợp tác với các cơ quan khoa học quốc tế nghiên cứu về các giống lúa kháng rầy nâu...

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, khẳng định: “Viện Lúa ĐBSCL luôn đồng hành với các địa phương và nông dân trong công tác phòng trừ rầy nâu, bệnh VL-LXL”. Tâm huyết đó của các nhà khoa học được thể hiện rõ ở nỗ lực nghiên cứu, tìm ra những giống lúa có tính kháng bệnh cao và các giải pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh VL-LXL hiệu quả... Nông dân ĐBSCL cũng đang mong đợi kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học được nhanh chóng triển khai, ứng dụng rộng rãi trong những vụ mùa sap tới.

LỆ THU

Theo Báo Cần Thơ
  • 929