Các nhà khoa học châu Phi đang phát triển một kỹ thuật cải tiến có khả năng quét sạch muỗi truyền bệnh sốt rét bằng cách thay đổi gene của chúng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt rét là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Burkina Faso, nơi gần như toàn bộ 22 triệu dân, đặc biệt là trẻ em, có nguy cơ mắc bệnh. Dữ liệu gần đây nhất từ văn phòng khu vực châu Phi của WHO cho thấy, bệnh sốt rét đã giết chết gần 19.000 người ở Burkina Faso vào năm 2021.
Căn bệnh này cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở khu vực châu Phi - nơi hứng chịu gánh nặng sốt rét lớn nhất thế giới.
Một em bé ở Malawi được tiêm vaccine sốt rét trong một chương trình thí điểm vào ngày 11/12/2019. (Nguồn: AP).
Trong nhiều năm, các biện pháp can thiệp phòng chống sốt rét, bao gồm cả việc sử dụng màn ngủ xịt thuốc diệt côn trùng, đã giúp giảm lây truyền và tử vong ở các quốc gia bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, “tử vong do sốt rét vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được và các ca bệnh tiếp tục gia tăng kể từ năm 2015”, WHO cho biết vào tháng 4, đồng thời khẳng định, số ca nhiễm bệnh gia tăng là do chi phí cung cấp các biện pháp can thiệp ngày càng tăng cũng như “các mối đe dọa sinh học” gây ra kháng thuốc, giúp muỗi truyền bệnh phát triển khả năng miễn dịch với các loại thuốc diệt côn trùng.
Theo dữ liệu của WHO, bệnh sốt rét đã giết chết khoảng 619.000 người trên toàn cầu vào năm 2021, 96% trong số này ở châu Phi, trong khi 80% số ca mắc bệnh ở lục địa này “là trẻ em dưới 5 tuổi”.
Theo ông Diabate - người đứng đầu ngành côn trùng học và ký sinh trùng y tế tại Viện Nghiên cứu khoa học sức khỏe của Burkina Faso - đổi mới các công cụ kiểm soát bệnh sốt rét là cách duy nhất để chiến thắng căn bệnh này.
“Mặc dù màn ngủ xịt thuốc diệt côn trùng đang phát huy tác dụng tuyệt vời, nhưng hiện nay đã xuất hiện khả năng kháng thuốc rộng rãi ở các loài muỗi khác nhau, đặc biệt là những loài truyền bệnh sốt rét. Điều này gây khó khăn cho việc đánh bại bệnh sốt rét bằng các công cụ thông thường. Và đây là lý do tại sao việc đổi mới và phát triển các công cụ mới bổ sung cho những công cụ hiện có là vô cùng quan trọng. Nếu không, chúng ta sẽ không thể đánh bại được bệnh sốt rét” – ông Diabate nói.
Diabate cho biết, ông lạc quan về công cụ kiểm soát sự gia tăng bệnh sốt rét của mình, thứ được mô tả là "công nghệ điều khiển gene" và có thể trở thành "yếu tố thay đổi cuộc chơi" khi được triển khai.
Bệnh sốt rét lây truyền qua vết cắn của muỗi Anopheles cái bị nhiễm bệnh. Muỗi đực không đốt nên không thể truyền bệnh sốt rét. Với công nghệ gene, các loài muỗi cái truyền bệnh sẽ không thể sinh sản sau khi người ta thả những con đực đã được chỉnh sửa gene vô sinh vào môi trường. Từ đó, quần thể muỗi cái sẽ bị suy giảm và việc truyền bệnh sốt rét sẽ dừng lại.
Ông Diabate cho biết: “Khi muỗi (đã được chỉnh sửa gene) được thả ra đồng ruộng, chúng sẽ hòa nhập vào quần thể muỗi và cắt giảm sự lây truyền bệnh sốt rét ngay lập tức. Nỗ lực biến đổi gene là biện pháp can thiệp kiểm soát bệnh sốt rét bền vững và thân thiện với ngân sách hơn”.
“Lợi ích của công nghệ mà chúng tôi đang phát triển là nếu nó được kích hoạt và hoạt động như mong đợi thì không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn có tính bền vững và có thể được triển khai ở những khu vực xa xôi và khó tiếp cận ở châu Phi. Chúng tôi tin rằng, một khi công nghệ đã sẵn sàng, nó có thể trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi” – ông Diabate nói về sự tối ưu của công nghệ mới. Tuy nhiên, theo ông, có thể phải mất vài năm nữa mới triển khai được công nghệ điều khiển gene ở châu Phi.
Vào năm 2013, Oxitec - công ty công nghệ sinh học của Mỹ - tạo ra loài muỗi biến đổi gene để truyền gene ngừng sự sống cho muỗi cái Aedes aegypti, loài muỗi truyền bệnh sốt vàng da, virus sốt xuất huyết và zika. Do đó, con cái của muỗi cái biến đổi gene chết ở giai đoạn ấu trùng.
Năm 2016, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế triển khai kỹ thuật sử dụng tia X để khử trùng muỗi đực ở châu Mỹ Latin và vùng Caribe, nhằm mục đích giảm khả năng sinh sản của muỗi cái truyền virus Ebola.
Nghiên cứu của ông Diabate là một trong những nghiên cứu đầu tiên sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene để nhắm mục tiêu vào muỗi đực.
Các cơ quan y tế bên ngoài Burkina Faso hoan nghênh công nghệ truyền động gene của ông Diabate, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về tác động của nó đối với môi trường khi được ứng dụng toàn diện.
Ông Lumbani Munthali - quản lý của Chương trình kiểm soát sốt rét quốc gia Malawi – cho biết, mặc dù công nghệ truyền động gene là “một sự đổi mới tốt và sắp ra mắt vào đúng thời điểm”, nhưng tác động sinh thái của nó vẫn chưa được đánh giá rõ ràng.
Nhóm vận động Save Our Seeds (SOS) có trụ sở tại Đức đã vận động chống lại công nghệ truyền động gene vì cho rằng, không thể đoán trước được tác động của công nghệ này đối với hệ sinh thái.
Trên trang web của mình, SOS cho biết: “Mọi sinh vật sống, ngay cả khi có vẻ nguy hiểm hoặc có hại cho con người, đều hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng trong môi trường sống. Do đó, việc tiêu diệt hoặc thậm chí thao túng một loài sẽ gây ra hậu quả cho toàn bộ hệ sinh thái”.
Nhóm vận động giải thích, muỗi là một trong những nguồn thức ăn chính cho nhiều loài động vật như chim và chuồn chuồn, đồng thời nhắc lại rằng, ở Camargue - khu bảo tồn thiên nhiên ở miền nam nước Pháp - việc tiêu diệt muỗi bằng thuốc sinh học đã dẫn đến sự tụt giảm về số lượng, sự đa dạng của các loài chim và chuồn chuồn.
Ông Munthali cho rằng: “Công nghệ điều khiển gene liên quan đến việc sửa đổi vật liệu di truyền, vì vậy bạn không bao giờ biết được vectơ mới mà bạn sẽ có và điều này sẽ có tác động như thế nào đối với môi trường và hệ sinh thái. Đó là điều mà các nhà nghiên cứu cần xem xét”.