Dự đoán thị trường PC trong năm 2006

  •  
  • 91

Trong suốt năm 2005, khu vực phần cứng máy tính luôn lẽo đẽo chạy theo cả thị trường, với mức tăng chỉ số chỉ bằng một phần ba so với các khu vực còn lại. Điều này hoàn toàn trái ngược với xu hướng hồi cuối năm ngoái, khi các nhà đầu tư tỏ ra đặc biệt lạc quan về nhu cầu tiêu thụ PC.

Giành giật thị phần

Theo Megan Graham-Hackett, chuyên gia nghiên cứu cổ phiếu các hãng PC, thì mức tăng trưởng sẽ còn giảm dần đều, từ 15% năm nay xuống còn 9% trong năm 2006. Sự suy giảm này có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do nhu cầu mua mới PC hầu như chỉ dậm chân tại chỗ. Người tiêu dùng ngày nay chú trọng và hứng thú hơn với các loại thiết bị (gadget) hi-tech, laptop và điện thoại thoại di động, trong khi túi tiền lại chỉ có hạn.

Đầu vào thu hẹp sẽ buộc các hãng sản xuất máy tính phải xoay sở nhiều chiêu bài mới. Ngoài việc bành trướng sang những thị trường mới, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, họ còn cần phải tham gia vào cuộc chiến hạ giá quyết liệt để giành giật thị phần. Một nghịch lý là khi hạ giá thành xuống quá thấp, thị phần một hãng càng lớn, nguy cơ họ bị thua lỗ càng cao.

Đi tìm bài thuốc trị thương

Thừa hiểu rằng sức ép này là không thể tránh khỏi, nếu không muốn nói là càng ngày càng căng thẳng hơn, các doanh nghiệp phần cứng đang mải miết bươn chải, tìm kiếm những kênh thu lời khác hằng mong bù đắp. Họ tìm đến đâu? Vẫn là các dịch vụ, máy chủ và thiết bị lưu trữ.

Cụ thể hơn, các hãng phần cứng đang đào sâu vào những tính năng như tự động hóa, "tự chẩn bệnh và chữa bệnh" của máy tính, cũng như những chức năng được thực hiện chỉ sau một lần nhấn phím.

Với những đại gia lớn như Sun, HP và IBM, danh mục sản xuất chính của họ trong năm 2006 sẽ là máy chủ. Xu hướng chung là các hãng sẽ cho ra lò những chiếc máy chủ thông minh, có khả năng tự phát hiện một số dạng lỗi hoặc trục trặc thông thường, cao hơn nữa, có thể tự động khắc phục những sự cố đó.

Tính năng có cái tên mĩ miều "Tự điều trị" này đã được ngành công nghiệp phần cứng dốc sức phát triển trong vài năm trở lại đây. Sun đã giới thiệu vài mẫu "siêu máy chủ", tích hợp tính năng tự điều trị và HP cùng IBM đều không chịu thua kém. Trên thực tế, cả ba đại gia này đều đang theo đuổi cùng một thị trường.

Song song với cuộc đua trên phân khúc cao cấp đó, ngành công nghiệp phần cứng vẫn luôn chú trọng vào những thiết bị nhanh hơn, rẻ hơn, nhỏ gọn hơn.

Vấn đề kích thước nhỏ có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng với các doanh nghiệp khi xây dựng trung tâm dữ liệu, nhất là khi họ phải thuê văn phòng với giá cắt cổ. Đấy là lý do để người ta kỳ vọng và chờ đợi nhiều ở máy chủ phiến - dòng máy chủ cực mỏng, và ở địa hạt này, IBM là cái tên thống trị. Khó khăn lớn nhất là phải luôn cân bằng được giữa kích thước thu nhỏ với hiệu suất xử lý không ngừng tăng cao, mà nhiệt năng tỏa ra vẫn ít. Giải quyết bài toán này sẽ vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của các hãng trong năm 2006.

Giết chết hay cô lập?

Sau khi hoàn thành bước một trong chiến dịch vươn ra toàn cầu là mua lại bộ phận PC của IBM, Lenovo đang tìm mọi cách để xây dựng nên một thương hiệu máy tính thật sự khác biệt. Và sự khác biệt này, trong hy vọng của hãng, không chỉ dừng lại ở giá thành.

Nên biết rằng với đặc thù của một nền công nghiệp đã "chín nẫu" như máy tính, các doanh nghiệp chỉ còn có thể cạnh tranh với nhau về giá mà thôi. Nhưng Lenovo vẫn phát hiện ra một kẽ hở hiếm hoi để lách qua: họ vừa công bố một dòng máy tính có khả năng tấn công virus chỉ bằng một phím bấm.

Không biết máy tính Lenovo có thể giết được virus thật hay không, nhưng nhiều khả năng, nó sẽ cô lập được con virus bất trị khỏi các bộ phận khác trong máy tính. Điều đó có nghĩa là khi bạn bị virus tấn công, chí ít thì máy tính của bạn cũng không đến nỗi biến thành đống sắt vụn hay cái thây ma (zombie) như hiện nay. Nếu Lenovo có thể phát triển thành công tính năng này, đây sẽ là một phát minh rất thú vị.

"Đơn giản là vàng"

Đến đây, xin mở ngoặc thêm một chút về cụm từ "một lần bấm phím". Bạn tự hỏi vì sao các hãng phải nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại tính năng này đến vậy? Xin thưa, đây là một sách lược chung mà cả Lenovo, Dell, HP lẫn tất cả các hãng PC đều đang theo đuổi. Không chỉ người sử dụng máy tính chưa thạo mới cần đến những phím tắt để truy cập các chức năng thường dùng mà ngay cả người dùng bình thường cũng muốn tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công sức lắm chứ?

Vài năm trước, một vài hãng máy tính từng tích hợp vào máy phím nóng cho phép truy cập nhanh Internet. Nguyên lý ẩn sau đấy là gì? Họ đang cố gắng biến máy tính trở nên giống với TV, chỉ cần cắm phích, bật lên và thế là xong. Vì sao TV hấp dẫn và phổ cập đến vậy? Vì nó sử dụng đơn giản. Sự đơn giản đó có khiến người dùng chán không? Không, mà hoàn toàn ngược lại.

Một khi người sử dụng đã có ấn tượng tích cực với sản phẩm, họ sẽ mặn mà hơn với việc mua hoặc nâng cấp thiết bị, đồng nghĩa với cơ hội kinh doanh các hãng cũng tăng lên. Câu châm ngôn mà tất cả các hãng rỉ tai nhau lúc này chính là "Đơn giản là vàng".

Mở lối đi riêng

Một trường hợp đáng được nhắc tên ở đây là Logitech. Sau một thời gian đóng đinh tên tuổi với các loại chuột và bàn phím máy tính, Logitech đã tích cực mở rộng danh mục sản phẩm của mình sang đồ điện tử gia dụng. Hãng cho ra đời bộ loa mini dành riêng cho iPod, bộ điều khiển từ xa dùng cho mọi thiết bị điện tử trong nhà, chuột chơi game, camera Internet.... Tất cả đều nhắm đến mục tiêu "giải trí gia đình".

Cầm Thi

Theo VietnamNet
  • 91