Dùng rong chống hạn và tăng năng suất cây trồng

  •  
  • 2.641

Hàng trăm hécta vùng cát hoang hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã được đưa vào sản xuất nông nghiệp nhờ hiệu quả của việc khai thác cây rong từ các vùng đầm phá làm phân bón, vừa giữ độ ẩm cho đất, vừa tăng năng suất cho cây trồng.

Nông dân xã Quảng Thái, Thừa Thiên-Huế chống hạn cho cây trồng bằng rong mái chèo vớt trong đầm phá Tam Giang.
Nông dân xã Quảng Thái, Thừa Thiên-Huế chống hạn cho cây trồng bằng rong mái chèo vớt trong đầm phá Tam Giang.

Vùng cát bạch sa xã Quảng Thái đã bỏ hoang nhiều năm nay bởi khô hạn, thiếu nước, không có đất phù sa.

Để khắc phục tình trạng khô hạn và mở rộng diện tích sản xuất, nhiều hộ nông dân đã khai thác cây rong trên đầm phá Tam Giang làm phân bón, biến vùng đất khô cằn này trở thành vùng trồng cây thuốc lá và các loại rau màu, đem lại thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo.

Anh Văn Đức Thắng, thôn Nam Giảng, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, cho biết trước đây, vùng cát này không thể trồng được cây gì, cây trồng xuống không chết vì thiếu nước thì cũng còi cọc, không hiệu quả. Nhờ có cây rong, mà gia đình anh đã trồng hơn 700 gốc cây thuốc lá, mỗi năm thu lợi trên 30 triệu đồng.

Nhận thấy lợi ích từ cây rong, nhiều nông dân đã chủ động khai thác rong làm phân bón và nhân rộng phương thức canh tác này. Vì vậy, ngay trên vùng đất khắc nghiệt này, bà con có thể xen canh, tăng vụ các loại hoa màu quanh năm.

Hiện nay trên địa bàn xã đã có đến 30 ha đất được bà con sử dụng rong làm phân bón. Theo nhiều hộ dân ở đây, ngoài cung cấp chất dinh dưỡng cho đất, cây rong còn có tác dụng giữ ẩm, giữ nước rất tốt, giúp cải thiện đất đai bạc màu, làm đất tơi xốp.

Để phân rong phát huy hiệu quả, trong quá trình làm đất nên rải đều một lớp rong trên đất trước khi cày ải. Khi cây trưởng thành phải bón trực tiếp cách gốc cây khoảng 20-30cm, khoảng 1 tháng bón một lần.

Không chỉ dùng để làm phân bón, giữ ẩm cho cây trồng, cây rong còn được dùng để làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt, lợn và một số loại cá nước ngọt. Ông Phan Nông, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Thái, cho biết hiện trên địa bàn xã có 400 ha mặt nước, chỗ nào cũng có cây rong phát triển tốt.

Nhờ vậy, mà toàn xã đã phát triển được hơn 480 lồng cá trắm cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng/lồng.

Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường, bà con cũng cần hạn chế khai thác rong ở các khu vực xa bờ, những nơi có mực nước sâu (vì đó là chỗ trú ẩn và cung cấp thức ăn cho các loài thủy sản nước lợ), tránh làm mất cân bằng sinh thái, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường vùng đầm phá.

Cây rong là loại cỏ thủy sinh, mọc trong môi trường nước lợ, có quanh năm, nhưng nhiều nhất từ khoảng tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Trên vùng đầm phá Tam Giang, có rất nhiều loại rong khác nhau, trong đó loại rong mái chèo và tùng đốt thường được bà con nông dân khai thác.

Rong được khai thác và bán cho người trồng rau với giá từ khoảng 200.000 - 300.000 đồng/tấn. Việc tận dụng cây rong trong sản xuất nông nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí thay cho phân bón mà hướng đến mô hình sản xuất nông sản sạch và bảo vệ hệ thống môi trường vùng đầm phá.

Theo Vietnam+
  • 2.641