Dùng thủy trúc, rau chai xử lý nước thải chăn nuôi

  •  
  • 3.001

"Dùng thủy trúc, rau chai xử lý nước thải trong chăn nuôi" là đề tài đoạt giải Nhì của cuộc thi cấp quốc gia: "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước" lần thứ 3 - 2006. Tác giả của đề tài ấy là Lê Thế Trung, (lớp 11 M1 trường THPT Mỹ Hương, Mỹ Tú, Sóc Trăng).

Ý tưởng từ... nước thải chuồng lợn

Thủy trúc

Thủy trúc
(Ảnh: thongthienhoc)

Trong bản thuyết trình của mình trước Hội đồng giám khảo, Lê Thế Trung đã rất thuyết phục với phong thái đĩnh đạc và tự tin: "Em tin rằng, đề án của mình sẽ tiết kiệm tối đa chi phí cho việc xử lý nước thải từ các chuồng trại chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường...".

Ý tưởng dùng thủy trúc, rau chai (trai) xử lý nước thải được Trung tình cờ phát hiện ra trong một buổi trưa đi thả câu bắt cá. Khi đang thả câu, thấy rãnh thoát nước từ chuồng lợn nhà hàng xóm thải ra kênh mương ít mùi hôi thối, dòng nước của đoạn kênh ấy không bị đục như đoạn kênh mương cạnh đó, lấy làm lạ, Trung tò mò tìm hiểu. Những lần đi qua vào thời điểm khác nhau vẫn thấy môi trường từ rãnh thoát nước ấy đỡ mùi so với rãnh nước thải ra mương từ các chuồng lợn khác.

Qua trực giác, Trung cho rằng chính những bụi cây thủy trúc và rau chai mọc ở rãnh thoát nước đã khiến cho nước thải từ các chuồng lợn trong lành hơn khi thải ra môi trường.

Để chứng minh cho lập luận của mình, Trung đã nhổ những bụi thủy trúc và rau chai ấy mang sang trồng ở rãnh thoát nước từ chuồng lợn bên cạnh. Một thời gian sau, khi những cây ấy đã phát triển xanh tốt thì dòng nước cũng bớt mùi hơn trước.

Thế rồi, Trung vận động hàng xóm trồng rau chai và thủy trúc trên dòng nước thải từ chuồng lợn ra mương. Với những ưu điểm như nước thải của chăn nuôi sẽ làm rau chai và thủy trúc lớn nhanh hơn, người dân cũng sẽ thu được lợi ích kinh tế: rau chai là thức ăn cho lợn, thủy trúc làm chiếu, làm dây buộc bánh, bó lúa... Một vài nhà đã làm theo lời của cậu học trò, bước đầu có hiệu quả cả về kinh tế lẫn giảm ô nhiễm môi trường.

Một đề án xuất sắc

Khi được nhà trường thông báo có cuộc thi về "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước" lần thứ 3-2006, Lê Thế Trung đã quyết định mang ý tưởng của mình tham gia. Để bảo đảm tính khoa học, Trung đã thử nghiệm một lần nữa bằng cách lấy 1 lít nước thải từ chuồng lợn đựng vào bốn chai nhựa. Sau đó lấy một bụi thủy trúc, rau chai và một bụi cỏ mần trầu, cho mỗi loài thực vật trên vào một chai, một chai còn lại để không, đem tất cả 4 chai cất vào chỗ mát.

Bảy ngày sau, Trung mang nước từ bốn chai đó ra thử nghiệm. Mượn dụng cụ thí nghiệm tại trường học, Trung đã đo đạc và khẳng định được sự cải thiện ô nhiễm của nguồn nước khi chảy qua thủy trúc và rau chai.(Xem bảng)

Chai có thủy trúc Chai có rau chai Chai có cỏ mần trầu Chai không có thực vật
pH=7,5 pH=7,5 pH=9 pH=9
Nhiệt độ: 27oC Nhiệt độ: 27oC Nhiệt độ: 28oC Nhiệt độ: 28oC
Lượng cặn: 5g/l Lượng cặn: 5g/l Lượng cặn: 10g/l Lượng cặn: 10g/l
Nước trong Nước trong Nước hơi đục Nước hơi đục
Nước không có mùi Nước không có mùi Nước có mùi ở mức: 4 Nước có mùi ở mức: 4

Nghĩ tới việc mở rộng mô hình xử lý nước thải công nghiệp, Trung đã phát triển ý tưởng của mình bằng giải pháp: Trước khi thải ra môi trường, nước thải được tập trung vào một bể chứa (bể chứa sẽ được hút bùn định kỳ), chảy qua mương trồng rau dừa, rau ngổ, sau đó tiếp tục sang mương trồng thủy trúc, rau chai trước khi đổ ra sông...

Với những lợi ích thiết thực mang lại cũng như việc dễ xử lý và thực hiện, đề án "Dùng thủy trúc, rau chai xử lý nước thải trong chăn nuôi" của Trung là một trong bốn đề tài vượt qua 28 bài thi tại Sở KH-CN Sóc Trăng, được gửi đi tham dự vòng chung khảo trên toàn quốc.

Tại vòng thuyết trình cuối cùng ngày 4-6-2006, đề án ấy đã được Hội đồng giám khảo đánh giá cao.

Gặp gỡ với chúng tôi sau cuộc thi, chưa hết cảm giác hồi hộp, Trung tâm sự: "Em rất bất ngờ và hạnh phúc. Bây giờ thì em chỉ mong đề án có thể phổ biến rộng rãi để cải thiện môi trường nước, đặc biệt là ở nông thôn bởi nó lợi cả đôi đường: môi trường và kinh tế...".

Tiếp xúc với thầy giáo của Trung, chúng tôi được biết do gia đình khó khăn, Trung phải mượn toàn bộ sách giáo khoa của trường để học, nhưng 11 năm liền, Trung đã làm nhiều người bất ngờ với thành tích học giỏi toàn diện. Và bây giờ, trong bộ sưu tập của cậu học sinh "11 năm đi bộ tới trường" vì không có xe đạp ấy đã có thêm một danh hiệu nữa: Giải nhì cuộc thi quốc gia "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước". Trung bảo, năm sau sẽ còn tiếp tục tham gia cuộc thi và hẹn sẽ gặp chúng tôi vào thời điểm ấy.

Theo Tài hoa trẻ, Tuổi trẻ
  • 3.001