Hạn hán, xâm thực mặn đe dọa lưu vực Mekong

  •  
  • 1.132

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao đã gây ảnh hưởng nặng đến vùng lưu vực sông Mekong và đe dọa đến cuộc sống của 65 triệu người dân sinh sống trong khu vực này.

Đó là cảnh báo của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) bên lề hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Bangkok ngày 5-10.

Theo WWF, lũ lụt và hạn hán sẽ diễn ra gay gắt, các vùng duyên hải bị xâm thực, nước biển dâng cao và nhiều đợt nóng xảy ra trong những thập niên tới sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa, trái cây, cà phê và nghề cá vốn là những nghề sinh sống chính của hơn 65 triệu dân trong lưu vực đồng bằng Mekong. Những hiện tượng trên đặt khu vực này trước nguy cơ về an ninh lương thực.


Đập Tiểu Loan đang xây dựng ở vùng thượng nguồn sông Mekong - Ảnh: www.gzbgj.com/

Báo cáo của WWF cũng nêu rõ nhiệt độ trong toàn vùng đã tăng 0,5-1,5OC trong 50 năm qua, các hiện tượng hạn hán, mưa lũ xảy ra thường xuyên hơn.

Đề cập đến VN, báo cáo cho biết hiện tượng nước biển dâng cao và sự xâm mặn sẽ làm mất dần diện tích đất canh tác, làm giảm sản lượng lúa và nuôi trồng thủy hải sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất một nửa sản lượng lúa gạo và 60% sản lượng tôm của VN.

Đặc biệt đối với các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội của VN và Bangkok của Thái Lan, WWF cảnh báo “một lượng lớn dân cư đang sinh sống trong các vùng trũng duyên hải và những đồng bằng gần cửa sông đang bị đe dọa bởi lũ lụt, hiện tượng nước mặn xâm thực và nước biển dâng cao”.

Các đồng bằng trên thế giới đang chìm dần, đặt hơn 500 triệu người trước nguy cơ về an ninh lương thực. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng trên không chỉ do tự nhiên mà còn do tác động của con người trong 50 năm qua. Việc xây đập trên thượng nguồn các con sông lớn đã làm lệch dòng chảy và làm cạn kiệt nguồn phù sa bồi đắp tự nhiên của các con sông lớn.

Đối với các nước trong lưu vực sông Mekong, như báo The Straits Times mới đây lại báo động, đập thủy điện Tiểu Loan ở thượng nguồn của Trung Quốc một khi hoàn thành vào năm 2012, sẽ trở thành đập lớn nhất trên sông Mekong, cũng là cao nhất thế giới với chiều cao 292m.

Hồ chứa nước của nó sẽ chứa được đến 15 tỉ m3 nước và phải mất 5-10 năm để tích đầy nước. Khi tích đầy nước, nó sẽ bao phủ một diện tích rộng 190km2, đồng thời sẽ làm cạn kiệt nguồn nước của các nước ở hạ lưu sông Mekong.

Theo Tuoitrre
  • 1.132