Duy trì nòi giống không cần giao phối

  •  
  • 1.221

Cuối cùng các nhà khoa học cũng giải được câu hỏi, làm thế nào một sinh vật nhỏ bé có thể sinh sôi nảy nở trong suốt 50 triệu năm qua mà không cần giao phối.

Bdelloid rotifer

Đối với hầu hết các loài động vật, giao phối không những là cách duy trì nòi giống mà còn là cách để dồn kẻ thù của chúng vào bước đường cùng. Paul Sherman, một nhà khoa học tại Đại học Cornell ở New York giải thích: “Nếu sinh vật ngừng giao phối và làm “đóng băng” hệ gen của chúng, tất cả kẻ thù của chúng sẽ theo kịp chúng về mặt tiến hóa và chẳng mấy chốc lấn át chúng”.

Đây là lý do giải thích tại sao hầu hết các loài động vật không quản ngại đường sá xa xôi để đi tìm bạn tình của chúng và giao phối.

Nhưng loài Bdelloid rotifer là động vật vô tính cổ đại duy nhất được biết là đã sống sót và sinh sôi nảy nở mà không cần giao phối trong suốt khoảng 30-50 triệu năm qua. Trong khoảng thời gian này, chúng đã phát triển thành hơn 450 loài khác nhau được tìm thấy trên khắp Trái đất.

Đối với những sinh vật khác, nếu sinh sản mà không có giao phối – như loài trùng ống – sẽ làm loài của chúng bị diệt vong sau vài trăm ngàn năm.

Trong khi phải đối mặt với kẻ thù là các loài nấm kí sinh, loài Bdelloid rotifer đã tự làm khô. Các nhà khoa học thấy rằng thời gian để khô càng lâu thì cơ hội sống sót của chúng càng cao, vì kẻ thù của chúng có khả năng chịu đựng kém hơn ở điều kiện khô. Sau khi các kẻ thù đã chết hết, Bdelloid rotifer để cho gió cuốn chúng đi. Sau đó chúng sẽ hồi sinh ngay khi tiếp xúc với môi trường nước ngọt.

Vậy là, trong khi các sinh vật khác đang mắc kẹt trong cuộc đua tiến hóa với kẻ thù của mình, thì loài Bdelloid rotifer thoát ra được chỉ bằng cách đơn giản là để cho gió cuốn đi, để lại kẻ thù ở phía sau.

Theo VietNamNet (National Geographic)
  • 1.221