Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) lo ngại về một hiệu ứng sụp đổ dây chuyền một khi có "lổ hổng" trong việc giám sát dịch cúm gia cầm ở một quốc gia nào đó.
Trong bản tuyên bố được đưa ra ngày 5/12, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) lo ngại, sự thất bại ở bất kỳ quốc gia nào đã từng có dịch cúm gia cầm cũng khiến dịch bệnh nhanh chóng lây lan sang nhiều nước khác.
Điều đó sẽ tạo thành hiệu ứng domino mà kết quả là, "tất cả những kết quả tốt đẹp trong việc kiểm soát dịch bệnh thời gian qua sẽ trở nên vô ích".
FAO cảnh báo chủng vi-rút cúm gia cầm H5N1 vẫn là mối đe dọa lớn, có khả năng gây thành đại dịch ở người và động vật, đặc biệt tại các "khu vực nhạy cảm" như Đông Nam Á, châu Phi, Đông Âu và khu vực Cáp-ca-dơ.
FAO cho biết, hiện có nhiều khu vực trên thế giới vẫn trong tình trạng "đặc biệt nhạy cảm", dễ bùng phát dịch cúm gia cầm, do đó, FAO sẽ ưu tiên các khoản viện trợ đến các khu vực và quốc gia này.
FAO cũng nhấn mạnh tới tính cấp thiết của việc minh bạch hơn trong chia sẻ thông tin, đặc biệt là về các chủng vi-rút.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ khi bùng phát lần đầu tiên tại châu Á vào cuối năm 2003, đến nay chủng vi-rút H5N1 đã lây lan tới châu Âu, châu Phi và khu vực Trung Đông, làm 154 người trên thế giới thiệt mạng.
Nhiều chuyên gia vẫn lo ngại rằng chủng vi-rút trên có thể tự biến đổi thành dạng có thể dễ dàng lây từ người sang người và gây thành đại dịch.
Bản đồ dịch cúm H5N1 năm 2005 (Ảnh: FAO)