Nếu là fan hâm mộ của các bộ phim siêu anh hùng, hẳn bạn sẽ thấy các X-men mạnh nhất thường sở hữu năng lực tạo ra lớp giáp vô hình bảo vệ cơ thể. Nhưng đó là phim, còn trong thực tế liệu con người có thể tạo ra thứ năng lực đó hay không?
Phim khoa học viễn tưởng thì luôn rất thú vị với đa số chúng ta. Ở đó, ta có thể được chiêm ngưỡng vô vàn công nghệ siêu kì dị, hay những năng lực lạ thường của các dị nhân.
Nhưng đáng tiếc rằng, đa số sức mạnh "thần thánh" đó lại là sản phẩm từ trí tưởng tượng phong phú của con người hơn là dựa trên các định luật khoa học thật sự. Vì vậy, chúng khó mà có thể được tạo ra trong cuộc sống thực.
Ơ mà khoan đã! Thật ra thì một trong những siêu năng lực "khủng" nhất trên phim lại có tiềm năng thành thật hơn hết thảy. Đó là tạo force field - hay trường lực, hoặc khiên trường lực - khả năng tạo ra một luồng sức mạnh vô hình bao lấy cơ thể, chặn mọi đòn sát thương của kẻ thù giống như Wanda Maximoff (Red Witch) trong Avenger, hoặc Luke Skywalker của Star War vậy.
Trong phim, Force Field thường được dùng để bảo vệ cơ thể siêu anh hùng tránh khỏi các đòn tấn công từ súng đạn, hoặc của địch thủ. Ngoài ra, chúng còn được dùng phủ ngoài phi thuyền vũ trụ để chống lại súng laser hay sự va chạm của thiên thạch.
Loại vũ khí này có thể được diễn tả hơi khác nhau tùy theo... trí tưởng tượng của đạo diễn. Nhưng tựu chung lại, để một vũ khí được gọi là khiên trường lực thì nó phải có 2 đặc tính: không thể nhìn thấy bằng mắt thường và có khả năng chặn được tác động từ các vật chất thông thường và tia bức xạ.
Sau tất cả, nếu trường lực được tạo ra trong thực tế thì tiềm năng ứng dụng của nó là cực lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.
Vì thế, nhiều nhóm khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu Force Shield và chia làm hai hướng nghiên cứu chính: tạo ra loại trường năng lượng có khả năng chặn vật chất và loại trường năng lượng có khả năng chặn tia bức xạ.
Hiện nay, hướng nghiên cứu về loại trường năng lượng chặn vật chất đang thu được những tiến bộ đáng kể. Tiêu biểu như Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng Vương Quốc Anh (DSTL) đang phát triển một loại áo giáp điện từ có khả năng ngăn tên lửa cho xe tăng, và đã đạt thành công trong các thử nghiệm ban đầu.
Hướng nghiên cứu về loại trường năng lượng chặn vật chất đang thu được những tiến bộ đáng kể.
Nguyên lý hoạt động của thiết bị dựa trên việc xe tăng sẽ mang các siêu tụ điện. Khi có tín hiệu tên lửa sắp va chạm thì các tụ sẽ xả một lượng lớn điện tích, trong tức thời lớp không gian bên ngoài xe được bao phủ bởi một trường điện từ cực mạnh.
Lớp bảo vệ này kéo dài trong khoảng vài phần giây và đủ sức phá hủy luồng nổ của tên lửa trước khi nó kịp chạm vào vỏ xe.
Còn với loại trường năng lượng chặn tia bức xạ - như laser hay phóng xạ - thì ít được quan tâm nghiên cứu hơn. Dù vậy, chúng ta vẫn có những thông tin đáng chú ý.
Vào năm 2014, nghiên cứu của một nhóm sinh viên ĐH Leicester được đăng trên tạp chí Special Physics Topics đã chứng minh được lý thuyết tạo nên lớp giáp plasma. Tác dụng của nó là để làm chệch hướng các tia lazer bắn tới, giống như lớp giáp bảo vệ các phi thuyền trong phim Star War.
Plasma là trạng thái thứ 4 của vật chất (cùng với 3 trạng thái rắn, lỏng, khí). Nó giống với thể khí nhưng ở tình trạng siêu nóng và bị ion hóa.
Thực tế, có một lớp giáp plasma luôn tồn tại trên đầu chúng ta. Đó chính là tầng điện ly của khí quyển, tầng khí này luôn phản xạ lại mặt đất các bức xạ điện từ có tần số thấp được truyền lên, chẳng hạn như sóng radio.
Và theo nghiên cứu trên thì với một lớp plasma đủ đậm đặc, chúng ta có thể đánh bật lại cả các bức xạ có tần số cao như ánh sáng hoặc tia UV. Dĩ nhiên, tia lazer cũng không ngoại lệ, bởi chúng cũng chỉ là các tia bức xạ điện từ hoặc ánh sáng cường độ lớn.
Ngoài ra, do plasma là hỗn hợp các hạt mang điện nên dạng vật chất này có thể được điều khiển bởi nam châm để tạo hình thành một lớp giáp phù hợp với vật cần bảo vệ.
Giống như Violet trong The Incredible đã làm
Và khi kết hợp giữa giáp plasma và điện từ, ta sẽ có một khiên trường lực thực sự, vừa ngăn được vật chất, vừa chặn được bức xạ. Vì tính khả thi như vậy, các nghiên cứu này không chỉ nằm trên giấy mà đang được nhiều công ty quốc phòng lớn quan tâm.
Tuy nhiên, còn một nhược điểm cần khắc phục của giáp plasma đó là nếu nó có khả năng ngăn được tia lazer thì cũng sẽ ngăn luôn cả các ánh sáng nhìn thấy khác. Vì thế nếu một chiếc máy bay hay xe tăng được phủ giáp plasma để chống lại các tia hủy diệt từ đối phương, thì họ cũng hoàn toàn "mù tịt", không thấy đối phương đâu để mà phản công.
Con người với công nghệ hiện đại ngày nay đã dần đem khiên trường lực, một thứ vũ khí tưởng chừng chỉ có trong tiểu thuyết vễn tưởng, ra gần với cuộc sống thật. Nhưng để tạo ra một tấm khiên hoàn hảo "như phim", thì chúng ta vẫn còn một quãng đường dài.
Đó phải là một tấm khiên vô hình, chặn được cả đạn và lazer, nhưng không làm vô hiệu hóa khả năng chiến đấu của phương tiện được bảo vệ.