Gấp rút bảo vệ nguồn gene đa dạng sinh học của Việt Nam

  •  
  • 1.303

Là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học trên thế giới, song lợi thế này của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nhiều lý do khác nhau như khai thác bừa bãi, biến đổi khí hậu... Bởi vậy, việc bảo tồn và sử dụng nguồn gene hiệu quả là một trong những mục tiêu tối quan trọng.

Đe dọa nghiêm trọng

Tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ về quỹ gene (giai đoạn 2001-2013 và định hướng 2020) sáng 3/11, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho hay, Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới.

Dẫn giải Báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học, ông Quân cho biết Việt Nam là một trong những nước có nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gene phong phú và đặc hữu. Đến nay, khoảng 49.200 loài sinh vật được xác định gồm 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; trên 11.000 loài sinh vật biển.

Tuy nhiên, sự đa dạng trên đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc khai thác bừa bãi thiếu ý thức, thiên tai, thói quen canh tác lạc hậu, gia tăng dân số và đô thị hóa. Đặc biệt, sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã đe dọa tới tài nguyên di truyền.

Thực tế cho thấy, hiện nay có một số giống đang còn rất ít như lợn Ỉ, lợn Ba Xuyên, gà Hồ… Và, nếu không có những biện pháp tổng lực để bảo vệ thì nguy cơ mai một nguồn gene đã rất hiện hữu.

Gấp rút bảo vệ nguồn gene đa dạng sinh học của Việt Nam
Cừu Phan Rang là một trong 55 giống vật nuôi mới được phát hiện trong vòng 10 năm qua và được khai thác làm hàng hóa. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Trong vòng mười năm qua, Nhà nước đã ban hành khung pháp lý tương đối đẩy đủ liên quan đến bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gene thực vật, động vật và vi sinh vật. Và thực tế thì việc bảo tồn gen cũng đã phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này còn gặp không ít khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay chưa xác định thứ tự ưu tiên đối tượng bảo tồn nguồn gene. Thậm chí, trong một số đề án, nhiệm vụ, đối tượng bảo tồn còn dàn trải và chưa xác định được. Nhiều nguồn gene đang lưu giữ, bảo tồn không đủ căn cứ để được xếp ưu tiên.

Bên cạnh đó, mức độ xói mòn nguồn gene trong tự nhiên, sản xuất và trong lưu trữ còn cao. Hiện tại, chưa có chương trình hay dự án điều tra, kiểm tra chính xác tiềm năng thực sự và thực tế xói mòn về nguồn gene sinh vật Việt Nam. Chúng ta cũng thiếu các nghiên cứu cơ bản để cải tiến phương pháp lưu giữ, bảo tồn cũng như việc sử dụng, khai thác và phát triển nguồn gen còn nhiều hạn chế (do dữ liệu chưa đánh giá đầy đủ, thông tin giá trị nguồn gene chưa sẵn có để chia sẻ cho người sử dụng…).

“Thuốc” nào để giữ nguồn gene?

Đại diện của Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phân tích, nguyên nhân dẫn đến việc trên là bởi công tác bảo tồn gene của Việt Nam là tương đối mới so với thế giới. Do đó, hệ thống văn bản quản lý còn thiếu và chưa thống nhất.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí được cấp còn quá hạn hẹp, tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng cùng với việc hội nhập quốc tế làm tăng sự xói mòn tự nhiên, mất mát nguồn gene do khai thác cạn kiệt để mua bán, trao đổi qua biên giới.

Vị đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đưa ra một ví dụ rất điển hình khi năm 2012 chỉ được cấp 20 tỷ đồng trong khi nhu cầu 33,7 tỷ đồng, năm 2013 là 20 tỷ đồng trong khi nhu cầu là 45,8 tỷ đồng… Ngoài ra, cơ sở vật chất của các đầu mối mạng lưới bảo tồn gene chưa hoàn thiện, thiết bị thì thiếu và lạc hậu, không đồng bộ…

Bởi thế, bên cạnh việc tiếp tục làm tốt những gì đã đạt được, Việt Nam cần thiết phải hoàn tất việc kiểm tra, kiểm kê tình hình phân bố của các nguồn gene cây trồng, vật nuôi trên toàn quốc, xác định đối tượng ưu tiên cần thu thập, bảo tồn; lưu giữ, bảo quản an toàn và nguyên trạng cũng như đánh giá được giá trị thực của nguồn gene hiện có của quốc gia; nâng cấp và xây dựng được Ngân hàng Gene quốc gia.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Công khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế) thì nhấn mạnh đến việc Nhà nước cần phải có chính sách giao quyền sử dụng đất lâu dài cho các tổ chức bảo tồn, lồng ghép bảo tồn với chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; lồng ghép khoa học công nghệ về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gene…

Các chuyên gia cũng cho rằng, đã đến lúc phải xây dựng một Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ về quỹ gene, góp phần bảo tồn, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên sinh học quốc gia theo hướng bền vững.

Theo Vietnam+
  • 1.303