Giải mã bí mật của loài dơi

  •  
  • 1.928

Các nhà cổ sinh vật học tìm về tổ tiên loài dơi để có thể giải thích làm thế nào dơi trở thành động vật có vú duy nhất biết bay.

Bạn có thể đã từng nghe hay nhìn thấy dơi. Tuy nhiên đó có thể chỉ là một trong hàng nghìn chủng dơi, từ loài nhỏ chỉ 3cm hay loài khổng lồ nặng 1,5kg.

Dù lớn hay nhỏ thì chúng cũng chịu nhiều tai tiếng. Ngoại trừ việc liên quan đến ma cà rồng, chúng còn bị đổ lỗi cho những căn bệnh truyền nhiễm từ động vật, trong đó có Covid-19 dù bằng chứng chưa rõ ràng.

Người ta đang quên rằng dơi là loài động vật có vú duy nhất có khả năng bay và chúng đã sải đôi cánh đó hàng chục triệu năm. Vậy vì sao dơi trở thành trường hợp kì lạ của sự tiến hóa?

Các hóa thạch không hoàn chỉnh

Hóa thạch của loài dơi được tìm thấy tồn tại từ 50 triệu năm trước ở thời kì gọi là Eocene. Các nhà cổ sinh vật học đã phục hồi các phần hóa thạch, từ răng, hàm cho đến những bộ xương đầy đủ ở khắp nơi trên thế giới.

Có một số khác biệt giữa dơi nguyên thủy và loài dơi hiện nay. Dựa vào giải phẫu tai mẫu vật, các nhà khoa học phát hiện ra những con dơi đầu tiên không tạo được tiếng vang. Chúng dựa vào thị giác, khứu giác và xúc giác để tìm bữa ăn.

Những con dơi hiện nay chỉ có một móng vuốt ở ngón tương đương với ngón tay cái của chúng ta. Một hóa thạch dơi có niên đại khoảng 52 triệu năm trước, được đặt tên là Onychonycteris Finneryi có móng vuốt trên cả 5 ngón.

Mặc dù có những bước tiến, các nhà khoa học vẫn còn một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Tổ tiên loài dơi từ 50 triệu năm trước đã được xác định là loài dơi. Vậy chúng đến từ đâu, khi nào, ở đâu và tại sao những con dơi đầu tiên đã có thể bay được là một bí ẩn đang bị chôn vùi bởi thời gian.

Người ta khó có thể tìm thấy nguyên vẹn một bộ xương hóa thạch của loài dơi. Đây được xem là lý do cho việc vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho sự tồn tại của loài dơi. “Chúng tôi không hiểu vì sao lại bị mất khoảng 10 triệu năm trong lịch sử loài dơi”, chuyên gia cổ sinh vật học Emily Brown của đại học Birmingham nói.

Các nhà khoa học cho rằng vì tổ tiên loài dơi sống ở rừng nên môi trường đó đã phân hủy nhiều phần hóa thạch. Khảo sát của Brown cũng cho thấy hóa thạch của những con dơi tìm thấy trong rừng thường không được đầy đủ.

Hóa thạch Icaronycteris.
Hóa thạch Icaronycteris. (Ảnh: Wiki Commons)

Icaronycteris là một trong những loài dơi được biết đến sớm nhất và có họ với Onychonycteris. Lý do duy nhất chúng ta biết đến sự tồn tại của loài dơi này vì chúng sống quanh những hồ nước có điều kiện đặc biệt.

Một số xương của chúng được tìm thấy mỏng như sợi tóc người. Trầm tích mịn và đáy hồ không có oxy làm cho hóa thạch nhanh chóng bị chôn vùi dưới bùn, không tiếp xúc với các chất phân hủy.

Cách dơi từng bay

Xem xét đến diện mạo của loài dơi nguyên bản nhất cũng cho chúng ta thêm nhiều thông tin. Onychonycteris là một trong những con dơi lâu đời nhất được tìm thấy với số xương đầy đủ nhất.

Kevin Seymour, nhà cổ sinh vật học của Bảo tàng Hoàng gia Ontario cho biết, tuy Onychonycteris có tỷ lệ chi và móng vuốt nhiều hơn các loài khác, nó vẫn là một con dơi. Hình dáng của nó gần giống với loài dơi đuôi chuột còn sống. Loài này sử dụng kết hợp giữa rung và lướt để di chuyển trong không khí.

Dựa trên những phát hiện như Onychonycteris, có thể nói rằng dơi đã trải qua giai đoạn lượn trước khi bay. Nhưng đó là chỉ là suy đoán, dù có căn cứ. Sẽ cần nhiều hơn các hóa thạch tương đối hoàn chỉnh để các nhà khoa học có thể khẳng định điều gì.

Hóa thạch của Onychonycteris.
Hóa thạch của Onychonycteris. (Ảnh: Andrew Savedra)

Thông tin mới nhất về các hóa thạch hiện có cho thấy những con dơi sớm nhất đã đi trên cây. Vào năm 2013, nghiên cứu của nhà cổ sinh vật học Kevin Padian và Kenneth Dial đã ghi nhận một số loài dơi đầu tiên có chân sau uốn cong sang một bên, thay vì đặt thẳng bên dưới cơ thể.

Chi này phù hợp với việc leo lên mặt đá và cây hơn là đi bộ trên mặt đất. Tìm kiếm thêm về những con thú sống trên cây có thể sẽ giúp có thêm thông tin. Dơi cũng có thể đã có tiến trình tiến hóa như sóc bay với lớp màng có thể lượn.

Một số loài dơi với niên đại lâu nhất được tìm thấy không phải là bộ xương đơn lẻ, mà tạo thành cộng đồng nhiều loài dơi. Điều này có nghĩa là loài dơi đã đa dạng hóa từ 50 triệu năm trước và tổ tiên của chúng hẳn đã tồn tại trước đó.

Có thể dơi bắt đầu xuất hiện sau sự diệt chủng của khủng long 66 triệu năm trước. Nếu vậy, dơi nguyên thủy đã hóa đá khi các loài động vật có vú khác bắt đầu tập bay.

Cập nhật: 30/04/2020 Theo Zing
  • 1.928