Giải mã cách muỗi tìm đốt con người

  •  
  • 964

Các nhà khoa học Mỹ phát hiện râu muỗi có thụ thể giúp chúng nhận biết axit lactic, một chất trong mồ hôi người và từ đó tìm đến đốt.

Phát hiện được tiến sĩ Matthew DeGennaro, nhà di truyền học về muỗi và là giáo sư tại Đại học Quốc tế Florida (Mỹ) đăng trên Current Biology.

Tiến sĩ DeGennaro cho biết đã cùng đồng nghiệp tìm kiếm những thụ thể trên râu muỗi từ nhiều năm qua và phát hiện một thụ thể mùi giúp muỗi nhận biết con mồi. Tuy nhiên, kể cả khi thụ thể này bị loại bỏ, muỗi vẫn hoạt động bình thường trong điều kiện có khí CO2 tỏa ra. Các nhà nghiên cứu nhận định có lẽ có các thụ thể khác nữa giúp muỗi nhận biết khí CO2.

Râu muỗi có thụ thể giúp chúng nhận biết axit lactic, từ đó tìm đến để đốt.
Râu muỗi có thụ thể giúp chúng nhận biết axit lactic, từ đó tìm đến để đốt. (Ảnh: Alex Wild).

Đội ngũ của tiến sĩ DeGennaro tiếp tục nghiên cứu thụ thể mùi khác được gọi là Ir8a. Các nhà khoa học đưa muỗi đã được can thiệp làm mất Ir8a vào các ngăn có khí CO2, axit lactic, nhiệt độ ấm và có cánh tay của tình nguyện viên.

Theo dõi những con muỗi trong ngăn, tiến sĩ Dr. DeGennaro cho biết: "Chúng tôi chỉ tiến hành một thử nghiệm hành vi đơn giản để xem muỗi có thể phản ứng lại với axit lactic hay không. Và chúng không thể". Như vậy, thụ thể Ir8a đóng vai trò quan trọng, giúp muỗi nhận biết axit lactic trong mồ hôi người và tìm đến đốt.

Kết quả của nghiên cứu trên được kỳ vọng có thể giúp tạo ra các loại thuốc chống muỗi, ngăn chặn hoạt động của thụ thể Ir8a hoặc góp phần vào thiết kế các dạng bẫy muỗi hiệu quả. Nhờ đó con người kiểm soát muỗi và ngăn ngừa các dịch bệnh do muỗi lây truyền như Zika, West Nile, sốt xuất huyết, sốt rét.

Nhóm nghiên cứu tin rằng thụ thể nhận biết khí CO2 có thể cùng nhóm với thụ thể Ir8a, nhưng vẫn chưa tìm ra nó. Nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục.

Cập nhật: 13/04/2019 Theo VnExpress
  • 964