Giải mã lời nguyền “trăng xanh tháng Bảy” gây thảm cảnh?

  •   4,311
  • 24.275

Đã từ lâu, việc trăng tròn xuất hiện hai lần trong cùng một tháng đã dấy lên vô số những lời đồn kỳ quái.

Lời nguyền “trăng xanh tháng Bảy”

Người ta nói rằng, sự kỳ dị của mặt trăng khi nó chuyển sang màu xanh có sự tác động đến hệ thần kinh con người khiến họ mất kiểm soát và có những hành vi như những người điên. Thậm chí, ở các nước phương Tây, người ta thường cho rằng, người sói xuất hiện ở lần trăng tròn thứ hai trong cùng một tháng.

Mới đây nhất, theo dự báo của các nhà thiên văn học, trong tháng Bảy này, trăng xanh sẽ tiếp tục xuất hiện khiến không ít người tò mò nhưng cũng cảm thấy vô cùng hoang mang, lo sợ. Vậy đâu là sự thật?

Trăng máu, trăng xanh và bí ẩn của vũ trụ

Khi khoa học chưa phát triển, loài người đã biết sử dụng mặt trăng và các chòm sao như một công cụ để tiên đoán, dự liệu những biến cố của đất trời. Cho đến nay, các nhà khoa học không thể phủ nhận sự chính xác của những “công cụ” này và nó đã trở thành một kinh nghiệm dân gian được truyền tụng từ đời này sang đời khác. Thậm chí, người ta còn nhìn trăng để đoán được ngày tận thế, đại họa xảy ra với loài người. Từ xưa, con người đã quan niệm trăng máu và trăng xanh có liên quan trực tiếp đến đại họa của loài người.

Trăng xanh thường xuất hiện với lời đồn ma quái.
Trăng xanh thường xuất hiện với lời đồn ma quái.

Cách đây không lâu, không biết sự ma mị này là có thực hay chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, trăng máu được dự báo xuất hiện đúng ngày 4/4/2014. Khi đó, cả thế giới sôi sục, hoang mang trong những lời đồn chết chóc đến rợn người. Bởi, trong kinh sách quen thuộc của Thiên chúa giáo cũng có nhắc đến trăng máu gắn liền với ngày tận thế, họa diệt vong...

Một trong những cuốn sách quen thuộc của Kito giáo có viết rằng: “Khi con chiên mở ấn thứ 6, tôi thấy xuất hiện một trận động đất khủng khiếp. Mặt trời tối đen như một bao tải làm bằng lồng đèn, mặt trăng trở nên đỏ như máu”. Nhiều người theo đạo Thiên chúa cũng tin vào truyền thuyết mặt trăng máu chính là sự trừng phạt của Chúa trời, đó là cách Chúa thể hiện sự phẫn nộ đối với loài người.

Đại đức Thích Bản Quyền (trụ trì chùa Chân Long, Hải Phòng) chia sẻ rằng, trong đạo Phật, hiện tượng mặt trăng máu cũng đứng đầu trong 7 đại nạn có thể xảy ra. Đại nạn xếp vị trí số 1 này được gọi là “nhất nguyệt thất độ”, là sự thay đổi màu sắc của mặt trăng, mặt trời, trong đó có sự xuất hiện của trăng máu. Khi hiện tượng này xảy ra, đại họa sẽ ập tới và hủy diệt cuộc sống bình an của người dân.

Cũng theo Đại đức Thích Bản Quyền, giống như lời nguyền mặt trăng máu, đến nay, nhiều người vẫn cho rằng, khi trăng xanh xuất hiện nó sẽ ảnh hưởng đến não bộ và hình dáng cơ thể của con người. Theo truyền thuyết từ xa xưa của người phương Tây, người sói là những con người bình thường cho đến khi trăng xanh xuất hiện, do phạm vào một lời nguyền. Họ sẽ phát điên, biến thành những con ma sói mọc lông đầy mình có những hành động man rợ, phá phách và giết người.

Thậm chí, đã từng có một lời đồn, ở mảnh đất châu Phi xa xôi, hàng chục người trong một bộ lạc cùng phát điên khi trăng xanh ló dạng trên bầu trời. Không biết thực hư câu chuyện này như thế nào, kể từ đó, cứ mỗi khi dự báo có trăng xanh xuất hiện, người ta thường đóng chặt cửa, ẩn nấp trong nhà với sự lo lắng, hoang mang tột độ. Họ sợ ra ngoài sẽ bị nhiễm bởi cái thứ màu xanh đầy ma mị và chết chóc đó biến mình thành loài sói hoang dại, máu lạnh.

Điềm báo hay chỉ là hiện tượng thiên văn?

Hiện tượng trăng xanh và những lời đồn đoán quanh việc ai vô tình nhìn thấy trăng xanh sẽ bị điên hoặc xảy ra những biến cố lớn trong cuộc đời giống như một lời nguyền khiến nhiều người lo sợ.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết: “Theo tìm hiểu của tôi, trăng xanh là hiện tượng trăng tròn và sáng lần thứ hai trong một tháng. Trăng xanh không xuất hiện thường xuyên, nó xảy ra trung bình khoảng 2,7 năm/lần. Thực tế, trăng lúc đó không thực sự có màu xanh. Cái tên trăng xanh không liên quan gì đến màu sắc của mặt trăng mà chỉ là do chúng ta nhìn ở nhiều nơi khác nhau, nên hình tượng hóa nó lên”.

Vị Chủ tịch hội Thiên văn học trẻ Việt Nam lý giải, có thể, trong trường hợp xuất hiện khói hoặc bụi trong không khí, làm ánh sáng từ mặt trăng chiếu xuống trái đất bị hấp thụ, chỉ còn lại màu xanh. Trên thực tế, lần trăng tròn thứ hai trong tháng dương lịch không khác gì so với những lần trăng tròn khác. Việc gọi hiện tượng đó là “trăng xanh” chỉ nhằm nhấn mạnh sự khác biệt của nó. Trăng xanh có nhiều tên, nhiều người gọi đó là ngày trăng tròn cá tầm, trăng bắp xanh, trăng ngũ cốc và trăng tròn đỏ...

Trăng xanh là hiện tượng trăng tròn và sáng lần thứ hai trong một tháng.
Trăng xanh là hiện tượng trăng tròn và sáng lần thứ hai trong một tháng.

Ông Tuấn Sơn cũng giải thích, người phương Tây gọi ngày trăng tròn thứ hai trong tháng dương lịch là ngày trăng xanh. Sự thật là, dù trăng có vẻ tròn trong cả hai đêm đó, nhưng về mặt kỹ thuật, nó chỉ tròn trong một thời gian ngắn chứ không kéo dài. Những lời đồn đoán quanh hiện tượng trăng xanh trong tháng Bảy này không hề có căn cứ. Cũng có thể, một số người vì thấy cái tên của nó lạ nên gắn cho những câu chuyện ly kỳ.

Các nhà khoa học cũng đã khẳng định, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy trăng xanh gây hiện tượng bất thường cho con người. Cũng không hề có chuyện trăng xanh ảnh hưởng tới bệnh tật của con người như những lời đồn đoán trên mạng xã hội rằng hiện tượng kỳ thú hiếm gặp này sẽ khiến người phát điên.

“Cũng có thể trong ngày trăng xanh này, những sự kiện xảy ra sẽ được mọi người nhớ hơn những ngày trăng không xuất hiện hoặc trăng khuyết. Bởi họ đang cho đó là một ngày đặc biệt. Thực chất, nó chỉ là ngày trăng tròn bình thường và không gây ảnh hưởng gì đến con người. Có một số trường phái ở phương Tây họ coi ngày trăng xanh là hiện tượng lạ và có điềm báo. Tuy nhiên, chưa lần nào trăng xanh xuất hiện lại xảy ra biến cố gì. Chính vì vậy, đó chỉ là những tin đồn không căn cứ”, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn khẳng định.

Cùng quan điểm, ông Trương Ngọc Khánh, Chủ nhiệm hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội cho rằng: “Trăng xanh hay còn gọi là Blue moon là thuật ngữ tiếng Anh dùng để gọi hiện tượng trăng tròn hai lần trong tháng. Một số tài liệu ghi nhận trăng có màu xanh dương vào năm 1980 và 1991 là do ô nhiễm không khí (các hạt bụi làm phân tán tia sáng xanh khiến chúng ta thấy mặt trăng có màu xanh.

Hiện tượng trăng xanh dự kiến xảy ra cuối tháng Bảy tới đây, chúng tôi đã lên kế hoạch để tìm hiểu xem mặt trăng có đúng là màu xanh như đồn đoán hay không. Mỗi tháng có một lần xuất hiện trăng tròn. Nhưng do cộng dồn thời gian của các năm, đến thời điểm nào đó, một tháng hai lần trăng tròn và người ta gọi lần trăng tròn thứ hai trong tháng đó là ngày trăng xanh”.

Ông Khánh đã đưa ra dẫn chứng, trước đây có nhiều tin đồn thất thiệt liên quan đến mặt trăng. Trăng máu thì họ nói là ngày tận thế, trăng xanh thì lại cho rằng người sẽ phát điên hoặc xuất hiện ma sói. Khi có những lời phán xét không căn cứ đó, giới khoa học cũng đã thực hiện cuộc điều tra để tìm hiểu mối liên hệ giữa mặt trăng và sự bất bình thường của con người.

Kết quả, họ hầu như không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về mối liên quan của các sự kiện. Nhiều thử nghiệm khác đưa ra cũng không tìm thấy liên hệ nào giữa dịp trăng tròn với bùng nổ bệnh tâm thần, hay động kinh, phẫu thuật của con người. Do vậy, những thông tin họ đưa ra trước đó chỉ là tin đồn gây hoang mang dư luận.

Lý giải khoa học tác động ánh sáng mặt trăng đến sức khỏe

Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn các tài liệu cũng ghi chép lại, vào thế kỷ 17, nhiều nhà nghiên cứu đã quả quyết rằng, mặt trăng có một sức mạnh kỳ lạ, tác động đến bệnh tật của não bộ. Theo các nhà khoa học thuộc trường đại học Leed (Vương quốc Anh), trong khoảng thời gian 5 - 6 ngày diễn ra hiện tượng trăng tròn, số lượng các ca chấn thương phải nhập viện thường tăng đột biến.

Các chuyên gia trường đại học California, Mỹ phát hiện ra rằng, có một tác động giữa ánh sáng từ mặt trăng tới sức khỏe con người. Họ đưa ra giải thích là những ngày trăng tròn, ánh sáng của ánh trăng đã tác động đến giấc ngủ của con người, gây tình trạng thiếu ngủ và ít nhiều đã tác động đến hệ thần kinh, dẫn đến những thái độ, hành động bất thường. Tuy nhiên, đó chỉ là một tác động nhỏ không thể dẫn đến người phát điên hay ma sói xuất hiện như truyền thuyết.

Cập nhật: 25/12/2017 Theo Đời Sống Pháp Luật
  • 4,311
  • 24.275