Giải mã thói quen liều lĩnh

  •  
  • 691

Dopamine khiến chúng ta cảm thấy thỏa mãn sau khi ăn một bữa ngon, vui sướng khi đội bóng quốc gia giành thắng lợi, đồng thời cũng khiến ta cảm thấy phấn khích thực hiện những hành vi mạo hiểm như phóng xe tốc độ cao.

Hành vi mạo hiểm luôn đánh đố mọi suy luận logic. Chúng ta không thể giải thích tại sao một số người thích làm những việc không thể đoán trước – như nhảy khỏi máy bay hoặc đặt cả gia tài vào trò cá cược - dù biết rằng họ có thể mất tất cả. Một nhóm chuyên gia Đại học Vanderbilt và Đại học Y khoa Albert Einstein (Mỹ) khẳng định rằng một hóa chất khiến con người muốn liều mạng, đó là dopamine - chất truyền dẫn thần kinh có chức năng tạo cảm giác hưng phấn trong não.

Dopamine khiến chúng ta cảm thấy thỏa mãn sau khi ăn một món ngon, vui sướng khi đội bóng quốc gia giành chiến thắng, thăng hoa khi sử dụng ma túy. Nó cũng khiến ta cảm thấy phấn khích khi nhảy dù từ máy bay, tiêu tiền vô tội vạ hoặc phóng xe với tốc độ cao. Theo các nhà nghiên cứu, não của những người thích liều có nhiều dopamine hơn so với đa số chúng ta. Tình trạng đó khiến họ có xu hướng “nghiện” hành vi mạo hiểm. 

Dopamine khiến chúng ta cảm thấy phấn khích tột độ khi nhảy dù khỏi máy bay. Ảnh: Time.


David Zald, một giáo sư tâm lý của Đại học Vanderbilt, tiến hành thử nghiệm để tìm hiểu sự khác biệt về não giữa những người thích mạo hiểm và người thường. Ông yêu cầu 34 người cả nam và nữ một bản câu hỏi để đánh giá xu hướng tìm kiếm cảm giác mới của họ.

Sau đó David tiến hành chụp cắt lớp não của họ bằng bức xạ postitron để tính toán số lượng thụ thể dopamin trong não mỗi tình nguyện viên (thụ thể là cấu trúc phân tử trên bề mặt bên trong hoặc bề mặt bên ngoài của tế bào, có nhiệm vụ gắn kết tế bào với các hoóc môn, kháng nguyên, chất truyền dẫn thần kinh, thuốc và nhiều loại hóa chất khác). David phát hiện một thụ thể có khả năng điều chỉnh nồng độ dopamine.

Những nghiên cứu trước đây cho thấy, khi được tiêm thêm dopamine vào não, chuột luôn thực hiện các hành vi liều lĩnh trong môi trường mới. David muốn tìm hiểu xem điều tương tự có xảy ra với con người hay không. Sau khi phân tích kết quả chụp não, David nhận thấy, con người cũng có xu hướng liều lĩnh hơn khi nồng độ dopamine trong não của họ cao hơn mức trung bình. Những cá nhân thích liều có ít thụ thể điều chỉnh dopamine hơn so với người thận trọng.

Phát hiện này củng cố giả thiết của David, theo đó não người ưa mạo hiểm luôn tiết ra một lượng dopamine lớn mỗi khi họ trải nghiệm cảm giác mới vì họ số lượng thụ thể điều chỉnh dopamine của họ quá ít. Sự “tuôn trào” dopamine khiến họ cảm thấy hưng phấn cao độ nên họ sẽ tiếp tục lặp lại hành vi mạo hiểm nhiều lần sau đó.

“Đây là một phát hiện thú vị. Nó giúp các nhà khoa học hiểu tại sao chúng ta thích sự mới mẻ, tại sao chúng ta nghiện ma túy, rượu, thuốc lá. Dopamine đứng đằng sau tất cả những hành vi đó”, tiến sĩ Bruce Cohen, giáo sư tâm thần học thuộc Đại học Y khoa Harvard, phát biểu.

Bruce cho rằng nếu hiểu rõ hơn về hành vi tìm kiếm cảm giác mới, các nhà khoa học có thể tìm ra nhiều cách điều trị hiệu quả hơn đối với chứng nghiện. Nếu các nghiên cứu trong tương lai chứng minh được rằng, những người nghiện có ít thụ thể điều chỉnh dopamine hơn mức trung bình thì người ta có thể sản xuất những dược phẩm có chức năng tương tự những thụ thể đó. Những dược phẩm này sẽ giúp đưa nồng độ dopamine trong não người nghiện trở về mức bình thường, từ đó làm giảm mức độ nghiện.

Về mặt lý thuyết, phát hiện của David còn có thể chấm dứt một vấn đề gây tranh cãi trong giới chuyên gia thần kinh học. Một số người tin rằng chúng ta nghiện chất cồn, ma túy do bị thiếu dopamine bẩm sinh. Nhưng nhiều người khác khẳng định não người nghiện sản xuất đủ dopamine nhưng không thể phá hủy chúng, do đó nồng độ dopamine liên tục tăng khiến nạn nhân thích thực hiện hành vi mạo hiểm.

Theo VnExpress (Time)
  • 691