Giải "Nobel châu Á" vinh danh giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng

  •  
  • 120

Nhà khoa học, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã nhận Giải thưởng Ramon Magsaysay năm 2024 tại thủ đô Manila, Philippines vào tối qua, 16/11, vì những cống hiến cho việc nghiên cứu tìm ra sự thật tàn phá của chất độc da cam/dioxin với con người.

Bà Cecilia L. Lazaro trao giải cho giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng
 Bà Cecilia L. Lazaro - Chủ tịch Hội đồng quản trị giải thưởng Ramon Magsaysay và ông Ramon B. Magsaysay Jr. trao giải cho GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng. (Ảnh: Trần Tiến Dũng).

Giải thưởng Ramon Magsaysay được ví như “Nobel châu Á” đã được trao cho 5 người, trong đó, có GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - người đã đóng góp quan trọng để tìm ra tác hại của chất độc dioxin lên sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Từ đó, bà đã đấu tranh mạnh mẽ đòi công bằng cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Bà Cecilia L. Lazaro - Chủ tịch Hội đồng quản trị giải thưởng Ramon Magsaysay và ông Ramon B. Magsaysay Jr. - người sáng lập giải thưởng, con trai cựu tổng thống thứ 7 của Cộng hòa Philippines Ramon del Fierro Magsaysay - đã trao giải thưởng Ramon Magsaysay cho 5 chủ nhân của giải thưởng năm nay.

Hội đồng các thành viên của Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay "ghi nhận tinh thần phục vụ cộng đồng của bà và thông điệp hy vọng mà bà tiếp tục truyền bá trong nhân dân"“công việc của bà chính là lời cảnh báo nghiêm trọng cho thế giới tránh chiến tranh bằng mọi giá, vì hậu quả bi thảm của nó có thể kéo dài đến tận tương lai”.

Đặc biệt, số tiền từ giải thưởng này, khoảng 50.000 USD, sẽ được GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã chuyển giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM để giúp đỡ các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin.

GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng năm nay 80 tuổi, nguyên là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, một bác sĩ sản khoa nổi tiếng. Không chỉ gắn với nghiên cứu khoa học về tác động xấu của chất độc da cam/dioxin, bà còn tiên phong trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam, mang lại niềm vui cho hàng nghìn gia đình.

Giáo sư Phượng chính là người "khai sinh" ra đội ngũ Cô đỡ thôn bản
Bà cũng chính là người "khai sinh" ra đội ngũ Cô đỡ thôn bản - cánh tay nối dài của y tế cơ sở - để chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng (thứ 3 từ phải qua) cùng các nhân vật đoạt giải. (Ảnh: Trần Tiến Dũng).

Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay thành lập năm 1957 để vinh danh tổng thống thứ 7 của Cộng hòa Philippines Ramon Magsaysay, qua đời trong một vụ tai nạn máy bay. Đây là vị tổng thống được yêu mến bởi lòng đam mê công lý, đặc biệt là với người nghèo.

Giải thưởng Ramon Magsaysay năm nay cũng vinh danh các cá nhân và tập thể xuất sắc khác: Karma Phuntsho, cựu tu sĩ người Bhutan-người đóng góp trong học thuật và giáo dục chất lượng cao, giúp giải quyết nạn thất nghiệp; Bà Farwiza Farhan, người Indonesia với những nỗ lực bảo vệ các loài nguy cấp ở đảo Sumatra; Họa sĩ hoạt hình Nhật Bản Miyazaki Hayao có nhiều phim hoạt hình cho trẻ em đạt doanh thu cao nhất Nhật Bản; Nhóm bác sĩ Thái Lan được trao giải vì nỗ lực đảm bảo dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá rẻ cho người nghèo ở nông thôn.

Cập nhật: 18/11/2024 Viettimes
  • 120